• Zalo

Tổng thống Putin ký sắc lệnh giới thiệu Hiến pháp sửa đổi

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 03/07/2020 20:59:28 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngày 3/7, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh giới thiệu Hiến pháp sửa đổi sau khi được đa số người Nga ủng hộ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký một sắc lệnh, giới thiệu các thay đổi đối với Hiến pháp vừa được người dân nước này bỏ phiếu thông qua hôm 1/7.

Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến, ông Putin nhấn mạnh ông làm điều này vì những sửa đổi này được đa số công dân Nga ủng hộ. Điện Kremlin cho hay, các sửa đổi trong Hiến pháp sẽ có hiệu lực vào ngày 4/7.

Các sửa đổi trong Hiến pháp được Quốc hội Nga thông qua vào ngày 11/3, nhưng Tổng thống Putin cho biết ông sẽ chỉ ký để ban hành thành luật nếu người dân Nga ủng hộ.

Cuộc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp Nga ban đầu dự định tổ chức vào ngày 22/4. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này đã bị hoãn lại do sự bùng phát của dịch COVID-19. Ông Putin quyết định mở lại bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp sau khi dịch bệnh qua đỉnh điểm và nước Nga bắt đầu ghi nhận số lượng ca bệnh mới giảm.

Tổng thống Putin ký sắc lệnh giới thiệu Hiến pháp sửa đổi - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: SPutnik)

Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) hôm 2/7 cho biết, sau khi 100% số phiếu được kiểm, kết quả cho thấy đa số cử tri Nga bày tỏ ủng hộ các sửa đổi Hiến pháp trong cuộc bỏ phiếu diễn ra từ ngày 25/6-1/7 trên toàn nước Nga.

Theo luật pháp Nga, khi có trên 50% tổng số cử tri bỏ phiếu tán thành những sửa đổi, các thay đổi mới trong Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực kể từ ngày công bố kết quả bầu cử chính thức. 

Sau khi bản Hiến pháp này có hiệu lực, sẽ không tính số nhiệm kỳ đối với những người đã và đang là Tổng thống Nga. Do đó, với Hiến pháp sửa đổi, Tổng thống Putin sẽ có cơ hội cầm quyền đến 2036 sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm 2024. 

Hiến pháp mới đưa ra các yêu cầu chặt chẽ hơn đối với các ứng cử viên tổng thống trong tương lai như phải sống ở Nga ít nhất 25 năm.

Thêm vào đó, các sửa đổi đã thay đổi quá trình thành lập chính phủ Nga, chuyển thêm quyền lực từ Tổng thống sang cơ quan lập pháp. Giờ đây, hầu hết các bộ trưởng nội các phải nhận được sự chấp thuận của Duma Quốc gia Nga. Các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao, Tư pháp, Nội vụ và Bộ Tình trạng khẩn là những cơ quan không áp dụng quy định này.

Đổi lại, Tổng thống nhận được nhiều quyền hạn hơn trong việc bổ nhiệm và bãi nhiệm các công tố viên và các thẩm phán Tòa án Hiến pháp.

Kông Anh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn