Một ngày sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chấm dứt tuần tra hàng hải chung với Mỹ ở biển Đông, sẽ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc đồng thời đề nghị Mỹ rút lực lượng đặc nhiệm khỏi Mindanao, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã lên tiếng.
Báo The Australian Financial Review đưa tin ngày 14/9, bà Julie Bishop tuyên bố ông Duterte phải trả lời vì sao ông không muốn thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài.
Bà giải thích: “Tôi được thông báo rằng ngài tổng thống Philippines đã tuyên bố Philippines, với tư cách là quốc gia đưa ra yêu sách và quốc gia khởi đầu vụ kiện trọng tài, lại thông báo Philippines sẽ không điều tàu đến khu vực tranh chấp”.
“Vậy thì vấn đề sẽ được gửi đến Philippines rằng họ làm cái gì để thúc đẩy kết quả của phán quyết trọng tài”, Ngoại trưởng Australia cho biết thêm.
Bà nhận xét: “Các bạn có ngạc nhiên hay không khi Philippines bây giờ lại không muốn vượt qua lãnh thổ mà phán quyết trọng tài đã mang đến vùng đặc quyền kinh tế cho họ và phán quyết kết luận Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines?”.
Video: Phản ứng của dư luận quốc tế trước phán quyết của PCA
Báo Financial Times bình luận tuyên bố mới của Tổng thống Duterte có thể ảnh hưởng đến quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines vốn đã được thiết lập từ năm 1951.
Bước phát triển mới này xảy ra trong bối cảnh địa-chính trị Đông Nam Á đang rạn nứt trước ảnh hưởng của Trung Quốc.
Mỹ đã xem Thái Lan là nước đồng minh lớn ngoài NATO. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Thái đã trở nên lạnh giá sau khi quân đội đảo chính và lên cầm quyền hồi tháng 5/2014.
Hồi tháng 7, Thái Lan đã tuyên bố mua ba tàu của Trung Quốc với giá khoảng 1 tỉ USD để bắt đầu xây dựng hạm đội tàu ngầm.
Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan tâm đến Myanmar, đặc biệt sau khi chính phủ mới do bà Aung San Suu Kyi chỉ đạo lên cầm quyền.
Trong khi đó tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân đã phát biểu với phái đoàn Philippines: "Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang trong bước ngoặt, Trung Quốc hy vọng Philippines có thể quản lý các tranh chấp theo cách thích hợp và duy trì quan hệ trên con đường đúng đắn".
Phái đoàn Philippines gồm 16 người, chủ yếu là các nhà ngoại giao đã nghỉ hưu do ông Rafael Alunan, cộng sự thân tín của cựu Tổng thống Fidel Ramos, làm trưởng đoàn.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố vào tối 13/9, ông Lưu Chấn Dân nói Trung Quốc hy vọng Philippines có thể thúc đẩy quan hệ theo con đường đối thoại, tham vấn và hợp tác hữu nghị.
Reuters nhận định phía Trung Quốc đưa ra phát biểu như trên vào lúc hai nước đang thăm dò và xác định các thông số để có thể ngồi lại đàm phán với nhau về vấn đề mà hai bên đều quyết không nhượng bộ.
Tuần trước, Thời Báo Hoàn Cầu đã đăng bài bình luận nhận định dù giọng điệu có gay gắt giữa hai tổng thống Mỹ và Philippines thì Trung Quốc cũng đừng nên nuôi ảo tưởng về quan hệ Mỹ-Philippines.
Bình luận