Trong bài phát biểu ngày 14/8, trước nhiều quan chức ngoại giao bao gồm đại sứ Mỹ, Tổng thống Philippines Duterte nói Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với vùng không phận phía trên các đảo mới bồi đắp và vùng biển xung quanh trên Biển Đông là sai trái. Ông cũng cho rằng yêu cầu của Bắc Kinh buộc các bên phải rời khỏi khu vực này có thể trở thành tác nhân “châm ngòi xung đột''.
Theo SCMP, đây là lần hiếm hoi ông Duterte công khai chỉ trích Trung Quốc, trong khi trước đó ông từ chối phản đối Bắc Kinh gay gắt vì muốn phát triển mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai bên.
Tổng thống Philippines hy vọng Trung Quốc sẽ kiềm chế hành động của mình, cảnh báo rằng động thái này nếu tiếp diễn có khả năng sẽ dẫn tới xung đột.
“Họ phải suy nghĩ lại về điều đó, vì tuyên bố vô lý này sẽ là tác nhân gây xung đột một ngày nào đó” – ông Duterte nói về động thái tuyên bố chủ quyền không phận của Trung Quốc trên Biển Đông.
“Anh không thể tạo ra một hòn đảo nhân tạo trên vùng biển quốc tế, vậy mà anh lại nói không phận phía trên các đảo nhân tạo đó là của anh. Điều đó là hoàn toàn sai lầm, vùng biển này là vùng biển quốc tế.” – ông Duterte nói.
Ông nói thêm rằng quyền tự do hàng hải, tàu thuyền di chuyển cần được đảm bảo và không cần ai cho phép để đi qua một vùng biển mở quốc tế.
Một báo cáo của chính phủ Philippines cho biết trong 6 tháng cuối năm 2017, máy bay quân sự của Philippines đã nhận được lời cảnh báo của Trung Quốc qua sóng radio ít nhất 46 lần trong khi bay tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Đầu tháng 8 vừa qua, Philippines bày tỏ quan ngại đến chính quyền Bắc Kinh sau khi các máy bay và tàu Philippines nhận được nhiều tin nhắn radio, cảnh báo họ tránh xa các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Tờ CNN cũng đưa tin quân đội Trung Quốc liên tục cảnh báo máy bay trinh sát của hải quân Mỹ phải ngay lập tức rời khỏi khu vực “để tránh mọi hiểu lầm”, khi những máy bay này bay gần đến các đảo nhân tạo.
Các tin nhắn cảnh báo radio từng đến từ tàu tuần duyên Trung Quốc, nhưng các quan chức quân đội Mỹ nghi ngờ chúng đã được mở rộng ra và được phát từ các đảo nhân tạo Bắc Kinh tuyên bố chiếm đóng, nơi có nhiều thiết bị liên lạc và giám sát mạnh mẽ hơn được lắp đặt cùng với các vũ khí như tên lửa đất đối không.
Video: Vấn đề Biển Đông 'nóng' tại đối thoại Shangri-La
Bình luận