• Zalo

Tổng thống Pháp Macron trình bày học thuyết an ninh kinh tế mới đối với châu Âu

Thời sự quốc tếThứ Tư, 12/04/2023 16:27:26 +07:00Google News

Tổng thống Pháp Macron ngày 11/4 có bài phát biểu quan trọng về tương lai châu Âu, trong đó đưa ra 5 trụ cột chính để gia tăng chủ quyền châu Âu về an ninh kinh tế.

Đây được coi là phần tiếp theo của bài diễn văn kêu gọi cải tổ châu Âu được người đầu nước Pháp trình bày tại Đại học Sorbonne của Pháp năm 2017.

Phát biểu tại Viện nghiên cứu Nexus ở thành phố La Hay (Hà Lan), Tổng thống Pháp Macron đã đưa ra học thuyết về an ninh kinh tế mới đối với châu Âu mới 5 trụ cột chính. 

Tổng thống Pháp Macron trình bày học thuyết an ninh kinh tế mới đối với châu Âu - 1

Tổng thống Pháp Macron. (Ảnh: Kafkadesk)

Đầu tiên, theo ông Macron, châu Âu cần thúc đẩy sự hội nhập để tăng khả năng cạnh tranh. Hội nhập châu Âu sẽ được thực hiện thông qua việc giảm bớt hay đơn giản hoá các quy chế hiện có, đồng thời cải thiện chất lượng giáo dục đại học tăng dân trí của công dân châu Âu cũng như khai thác tiềm năng của người nhập cư. 

Thứ hai, là xây dựng chính sách công nghiệp chung vốn là chủ đề “nhạy cảm” tại châu Âu bởi những lo ngại về sự can thiệp của nhà nước vào thị trường. Tổng thống Pháp Macron cho rằng châu Âu cần phải thay đổi mô hình để nắm quyền tự quyết khi các đối thủ cạnh tranh đang không tuân thủ luật chơi. Chính sách công nghiệp cần khuyến khích phát triển các công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu cũng như cần phòng ngừa những nguy cơ đến từ công nghệ của Mỹ và Trung Quốc.   

Thứ ba, bảo vệ các lợi ích chiến lược. Châu Âu cần tự trang bị công cụ sàng lọc và ngăn chặn các vụ thôn tính doanh nghiệp châu Âu trong lĩnh vực chiến lược từ các đối tác nước ngoài giống như Mỹ đang thực hiện, đặc biệt trong những lĩnh vực quan trọng như an ninh mạng và hạ tầng chiến lược. Theo Tổng thống Pháp Macron, châu Âu cần có các biện pháp bảo hộ trong lĩnh vực quốc phòng và công nghệ.

Thứ tư, đề cao nguyên tắc “có đi có lại”, thúc đẩy cơ chế thương mại công bằng và không chấp nhận các hiệp định thương mại tự do không tuân thủ nội dung trong Thoả thuận khí hậu Paris năm 2015.  

Thứ năm, tăng cường quan hệ hợp tác, xây dựng cơ chế rõ ràng để giải quyết các xung đột thương mại.

Theo người đứng đầu nước Pháp, cuộc xung đột tại Ukraine và đại dịch COVID-19 càng cho thấy sự cần thiết của chủ quyền châu Âu. Học thuyết an ninh kinh tế mới này sẽ giúp tạo ra việc làm, tạo thêm nguồn lực cho xã hội, thúc đẩy chống biến đổi khí hậu và gia tăng chủ quyền của châu Âu. 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khẳng định bảo vệ chủ quyền châu Âu không có nghĩa là châu Âu quay lưng lại với các đồng minh, mà sẽ lựa chọn đối tác và tự quyết định vận mệnh thay vì bị đặt ra ngoài rìa trước ​​những biến chuyển mạnh mẽ của thế giới hiện nay. 

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khiến các đồng minh phương Tây không hài lòng khi thể hiện thái độ mềm mỏng trong chuyến thăm Trung Quốc vào tuần trước cũng như có các tuyên bố châu Âu nên giữ lập trường độc lập và tránh bị lôi kéo vào xung đột Mỹ - Trung trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Mạnh Hà(VOV-Paris )
Bình luận
vtcnews.vn