"Tổng thống Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước về loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF), đặc biệt là đối với an ninh châu Âu cũng như sự ổn định chiến lược của Pháp", văn phòng Tổng thống Pháp cho biết trong một tuyên bố.
Cuộc điện đàm giữa 2 lãnh đạo Mỹ-Pháp diễn ra hai ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi INF được Mỹ và Liên Xô ký kết vào năm 1987. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định nguyên nhân dẫn tới quyết định này là do Nga đã vi phạm hiệp ước.
Đáp trả lại tuyên bố này, Matxcơva cảnh báo sẽ có những biện pháp đáp trả, bao gồm cả biện pháp quân sự trước động thái được thúc đẩy bởi “giấc mơ về một thế giới đơn cực" của Washington.
Theo Điện Kremlin, tương lai của INF sẽ được thảo luận khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tới Matxcơva. Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dmitry Peskov hy vọng rằng quan chức cấp cao của Mỹ sẽ giải thích rõ ràng lập trường của Washington về vấn đề này.
Không chỉ riêng Nga, Đức cũng bày tỏ quan ngại về hậu quả của việc Mỹ rút khỏi INF.
"Hiệp ước đã tồn tại 30 năm là trụ cột quan trọng trong cấu trúc an ninh của châu Âu", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói hôm 21/10, đồng thời kêu gọi Mỹ cân nhắc tới hậu quả đối với cả châu Âu và các nỗ lực giải trừ vũ khí trong tương lai sau quyết định rút khỏi INF.
Anh lại có quan điểm ngược lại khi tuyên bố ủng hộ việc Mỹ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân tồn tại hơn 3 thập niên với Nga.
"Mỹ là đồng minh thân cận và lâu dài của Anh, vì thế tất nhiên chúng tôi triệt để ủng hộ quyết định của Tổng thống Trump về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước để gửi đi thông điệp tới Nga rằng nên tôn trọng các nghĩa vụ trong hiệp ước mà họ đã ký kết", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho hay.
Bình luận