• Zalo

Tổng thống Mỹ bị đồng minh NATO chỉ trích vì ‘đi đêm’ với Nga

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 10/12/2021 20:10:46 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhà lãnh đạo Mỹ bị các thành viên NATO ở Đông Âu chỉ trích sau khi đề xuất một cuộc hội đàm đối thoại nhằm xoa dịu căng thẳng giữa liên minh quân sự này với Nga.

Tờ Bloomberg dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, các thành viên NATO ở Đông Âu rất tức giận và muốn làm rõ đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đưa ra đề xuất thực hiện một cuộc hội đàm nhằm hạ nhiệt căng thẳng với phía Nga.

Trong khi đó một nguồn tin khác lại bày tỏ rằng Mỹ có thể đã chấp nhận các nhượng bộ từ phía Nga, trong cuộc hội đàm mới đây giữa ông Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm đổi lấy một “đảm bảo chính trị” hạn chế khả năng NATO mở rộng hơn về phía Đông.

Tổng thống Mỹ bị đồng minh NATO chỉ trích vì ‘đi đêm’ với Nga - 1

Các nước thành viên NATO ở Đông Âu cảm thấy bản thân bị Mỹ bỏ rơi khi Washington chấp nhận thỏa hiệp với Nga. (Ảnh: mediaproxy)

Tổng thống Biden đưa ra đề xuất trên chỉ vài ngày sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga. Sau hội đàm, ông chủ Nhà Trắng cũng có các cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước thành viên NATO như Anh và Pháp.

Ông Biden sau đó cũng có cuộc điện với các nhà lãnh đạo thuộc nhóm Bucharest 9, gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Romania và Bulgaria. Đây đều là các nước nằm ở sườn phía Đông của NATO.

Trong cuộc hội đàm kéo dài khoảng 45 phút, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết bổ sung năng lực quân sự cho các thành viên NATO ở Đông Âu. Tuy nhiên, không nói rõ quốc gia nào sẽ nằm trong kế hoạch này.

Theo đề xuất của Tổng thống Mỹ, các cuộc hội đàm trong tương lai với Nga sẽ do Mỹ và ít nhất 4 nước thành viên chủ chốt của NATO điều hành. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nước thành viên NATO ở Đông Âu sẽ có ít tiếng hơn so với Tây Âu, quyền lợi của họ không chắc sẽ được bảo đảm trong một cuộc hội đàm như vậy.

Phía Mỹ cũng cho biết, mục tiêu chính của cuộc hội đàm với Nga là nhằm thảo luận những lo ngại của Moskva về khả năng NATO mở rộng hơn về phía Đông Âu, cũng như giúp hạ nhiệt căng thẳng ở sườn phía Đông của NATO với các vấn đề an ninh đến từ Ukraine và Belarus.

Đề xuất thực hiện một cuộc hội đàm với Moskva, diễn ra vào thời điểm căng thẳng ở biên giới Nga – Ukraine ngày một lên cao. Liên minh NATO, đứng đầu là Mỹ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nếu Nga tấn công quân sự Ukraine.

Về phía Nga họ cũng nhiều lần lên tiếng bác bỏ các cáo buộc sẽ tấn công Ukraine khi di chuyển hàng trăm ngàn binh sĩ cùng thiết bị quân sự đến gần biên giới.

Trà Khánh
Bình luận
vtcnews.vn