• Zalo

Tổng thống Duterte không nhờ Mỹ giúp đỡ tại Marawi

Thế giớiThứ Hai, 12/06/2017 06:59:00 +07:00Google News

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phủ nhận việc ông nhờ Mỹ giúp đỡ trong cuộc chiến ở Marawi, trước đó, Đại sứ quán Mỹ cho biết họ hỗ trợ theo yêu cầu từ phía Philippines.

Reuters cho biết trong cuộc họp báo hôm 11/6 ở Cagayan de Oro, cách vùng chiến sự ở Marawi 100 km, tổng thống Philippines nói rằng ông "không bao giờ tiếp cận Mỹ" để xin sự giúp đỡ.

Khi được hỏi về việc Mỹ đang hỗ trợ quân đội ở Marawi, ông Duterte nói rằng ông "không hay biết việc này cho đến khi họ xuất hiện".

Tong thong Duterte khong nho My giup do tai Marawi hinh anh 1

 Tổng thống Duterte trong cuộc họp báo ngày 11/6. (Ảnh: Reuters)

Hiện không rõ quân đội Philippines có xin ý kiến Tổng thống Philippines trong việc yêu cầu Mỹ giúp đỡ hay không. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng quân đội Philippines coi trọng Mỹ sau nhiều năm lực lượng này hỗ trợ huấn luyện.

"Quân đội của chúng tôi gần gũi với Mỹ, tôi không thể phủ nhận", ông nói.

Trước đó, cả Đại sứ quán Mỹ và quân đội Philippines đều xác nhận việc Mỹ đang hỗ trợ Philippines giành lại Marawi, thành phố bị nhóm chiến binh Hồi giáo Maute tấn công và chiếm đóng trong 3 tuần qua. Quân đội Philippines cho biết lính Mỹ chỉ hỗ trợ về kỹ thuật và không tham chiến. Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ cho biết Mỹ hỗ trợ "theo yêu cầu từ phía Philippines".

Việc này được xem là một động thái quan trọng sau nhiều tháng liền Tổng thống Duterte có thái độ không hoan nghênh Mỹ và nghi ngờ mối quan hệ đồng minh lâu năm này.

Tong thong Duterte khong nho My giup do tai Marawi hinh anh 2

 Máy bay trinh sát P3 Orion của quân đội Mỹ được nhìn thấy trên bầu trời Marawi ngày 9/6. (Ảnh: Reuters)

Maute, nhóm Hồi giáo thân IS, bắt đầu chiếm đóng thành phố Marawi ở miền nam Philippines từ ngày 23/5. Cuộc chiếm đóng đã khiến hàng trăm nghìn người dân phải rời bỏ thành phố. Cuộc chiến giành lại thành phố của quân đội Philippines đang gặp nhiều khó khăn do quân nổi dậy am hiểu địa hình nơi đây và sử dụng dân thường mắc kẹt lại để làm "rào chắn". 

Ít nhất 58 binh sĩ Philippines, 20 thường dân và hơn 100 tay súng nổi dậy đã thiệt mạng. Khoảng 500-1.000 thường dân đang kẹt lại trong thành phố.

Mỹ không có quân thường trú tại Philippines và chỉ giữ lực lượng đặc nhiệm khoảng 50-100 người tại miền nam nước này.

(Nguồn: Zing News)
Chuyên đề: Khủng bố IS 2017
Bình luận
vtcnews.vn