Việc ông Zelensky tham dự thượng đỉnh NATO được cho sẽ là sự kiện đánh dấu sự thống nhất của khối liên minh quân sự này. Cuộc xung đột Nga – Ukraine chắc chắn là một trong những nội dung chương trình nghị sự hàng đầu của các nhà lãnh đạo NATO. Bên cạnh đó là cuộc thảo luận về lộ trình tương lai để Kiev gia nhập liên minh dù điều này đã gây ra một số chia rẽ giữa các nhà lãnh đạo phương Tây.
Theo CNN, vấn đề Ukraine được dự đoán sẽ bao trùm chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh khi Tổng thống Mỹ tìm cách thống nhất quan điểm của các nước thành viên trước cuộc xung đột. Liên minh quân sự cũng sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về lộ trình để Ukraine trở thành thành viên NATO, cũng như hỗ trợ quân sự bổ sung khi cuộc phản công của họ đang diễn ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 8/7 nói với CNN rằng Ukraine "chưa sẵn sàng" để trở thành thành viên của NATO. “Việc gia nhập NATO là một quá trình cần thời gian để đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn – từ dân chủ hóa đến một loạt các vấn đề khác”, ông Biden nói, đồng thời nhấn mạnh rằng NATO cần “vạch ra một lộ trình hợp lý” để kết nạp thành viên.
Tổng Zelensky trước đó nói ông tham dự hội nghị thượng đỉnh nhằm tìm kiếm con đường rõ ràng hơn để Ukraine có thể gia nhập liên minh cùng với các đảm bảo an ninh.
“Ukraine nên nhận được các đảm bảo an ninh rõ ràng khi chưa được chính thức vào NATO. Chỉ với điều kiện này, cuộc gặp của chúng tôi mới có ý nghĩa, nếu không, nó cũng chỉ như một hoạt động chính trị khác”, ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC.
Ông Biden và ông Zelensky đã có nhiều cuộc gặp cấp cao trong vài tháng qua. Chuyến đi đầu tiên của Tổng thống Ukraine bên ngoài lãnh thổ Kiev kể từ khi xung đột nổ ra là tới Washington ngay trước lễ Giáng sinh năm ngoái, nơi ông được Tổng thống Biden đón tiếp tại Phòng Bầu dục và có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Vài tháng sau, ông Biden cũng tiến hành chuyến thăm bất ngờ tới Kiev và công bố gói hỗ trợ trị giá nửa tỷ USD cho Ukraine.
Cuộc gặp trực tiếp gần đây nhất của hai nhà lãnh đạo diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua. Sự kiện diễn ra ngay sau lực lượng Nga giành quyền kiểm soát thị trấn Bakhmut sau nhiều tháng giao tranh ác liệt. Nhân sự kiện, Tổng thống Zelensky đã tận dụng cơ hội để thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine.
Trong hội nghị thượng đỉnh NATO lần này, ông Biden có thể phải đối mặt với một số chỉ trích từ các đồng minh về quyết định lần đầu tiên cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine. Động thái này đã gây ra một số bất đồng công khai từ các nước đồng minh. Tổng thống Biden gọi đây là một "quyết định khó khăn" nhưng cần thiết để củng cố khả năng tấn công của Ukraine vì Kiev sắp hết đạn dược.
Ông Zelensky ca ngợi gói viện trợ quốc phòng của Mỹ là “kịp thời, rộng rãi và rất cần thiết”. Ông viết trên Twitter cá nhân: “Việc mở rộng khả năng phòng thủ của Ukraine sẽ cung cấp các công cụ mới để giải phóng sự chiếm đóng trên lãnh thổ của chúng tôi và mang lại hòa bình gần hơn”.
Bình luận