Tổng Thanh tra CP: 'Khiếu nại tố cáo ngày càng gay gắt'

Thời sựThứ Năm, 14/06/2012 06:54:00 +07:00

(VTC News) – Từ tháng 9/2011 đến nay khiếu kiện về đất đai chiếm tới 79%, tình hình khiếu nại tố cáo rất phức tạp, ngày càng gay gắt.

(VTC News) – Từ tháng 9/2011 đến nay khiếu kiện về đất đai chiếm tới 79%, tình hình khiếu nại tố cáo (KNTC) rất phức tạp, ngày càng gay gắt.

Tham gia với Bộ trưởng Bộ TN&MT tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH ngày 13/6, Tổng thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh cho biết, qua sơ kết 4 năm (2008-2011), tình hình khiếu nại tố cáo (KNTC) lên rất cao, bình quân hàng năm có khoảng 400.000 lượt người đi KN và các cơ quan Nhà nước, các cấp đã nhận 160.000 lượt đơn KNTC.

Riêng từ tháng 9/2011 đến nay, các cơ quan hành chính Nhà nước đã nhận, đã tiếp trên 92 ngàn lượt người, 974 lượt đoàn đông người, giảm so với cùng kỳ năm trước.

Hiện đã giải quyết về KN đạt 88%, về TC giải quyết đạt 84%. Tuy nhiên, ông Tranh cho rằng, tình hình KNTC nổi lên rất phức tạp, ngày càng gay gắt, đông người vượt cấp và đặc biệt có một số vụ người dân sẵn sàng bất chấp phục tùng người thi hành công vụ, thậm chí đe dọa cán bộ tiếp dân giải quyết KNTC.

Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh (Ảnh: vov.vn)  
Tổng TTCP cho biết, trong số vụ KNTC 4 năm qua thì đất đai chiếm 70%, nhưng từ tháng 9/2011 đến nay tăng lên chiếm 79%, trong đó phần lớn nằm ở việc bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (trên 50%), đòi lại đất cũ, tranh chấp trong nội bộ nhân dân qua các thời kỳ chưa giải quyết dứt điểm, đòi lại đất cho thuê, cho mượn và đất cho ở nhờ…

TTCP đã thành lập 12 tổ công tác, các bộ, ngành thành lập 6 tổ công tác, tổng cộng là 18 tổ công tác đi rà soát tất cả 63 tỉnh, thành thì hiện nay có 55 tỉnh thành có vụ việc tồn đọng, chỉ có tồn đọng ở địa phương, không có vụ việc tồn đọng thuộc thẩm quyền của Trung ương.

Sau khi rà soát đến tháng 6/2012 có 904 vụ việc tồn đọng, kéo dài. TTCP cùng các bộ, ngành và địa phương phối hợp giải quyết cơ bản, dứt điểm những vụ này.

“Chúng tôi chia làm hai đợt, đợt 1 từ đầu tháng 6 đến 30/8 giải quyết tương đối, đợt 2 từ đầu tháng 9 đến cuối năm giải quyết căn bản. Chúng tôi rà soát thường xuyên và các tổ công tác hiện nay đang hoạt động ở các địa bàn, các địa phương để tiến hành giải quyết” – Tổng thanh tra Chính phủ cho biết.

Song song với việc giải quyết tồn đọng TTCP cũng tiến hành giải quyết những vụ việc mới phát sinh nhằm hạn chế khiếu kiện, hạn chế những phát sinh mới.

Cấp “sổ đỏ” được ghi nợ

Cũng tại phiên chất vấn Bộ trưởng TN&MT, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ giải trình thêm về chính sách tài chính đối với đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục có những giải pháp hoàn thiện cả về chính sách cũng như tổ chức thực hiện.

Đối với những chủ dự án đã được giao đất nhưng sau thời hạn không sử dụng thì thu lại, nhưng nếu chủ dự án đó đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thậm chí đã nộp tiền sử dụng đất thì vẫn hoàn toàn áp dụng Nghị định 197 và Nghị định 69, nhưng đối với các trường hợp khác khi thu hồi đất để đền bù GPMB thì áp dụng tương tự đối với người dân và những tổ chức kinh tế khi đền bù và giải tỏa.


Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), Bộ trưởng Huệ nhận định, cấp GCN của chúng ta còn chậm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 07 năm 2007 Quốc hội khóa XII.

Chính phủ đã giao cho UBND cấp tỉnh bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính và cấp GCN thì cũng hỗ trợ cho quá trình này được nhanh hơn.

Nhà nước cũng cho phép hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền sử dụng đất và được trả nợ dần khi có khả năng trong thời hạn 5 năm theo giá đất tại thời điểm cấp giấy.

Cùng với đó, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức khi cấp GCN lần đầu đối với đất do chuyển mục đích từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn và giảm 50% tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình dân tộc thiểu số hộ nghèo tại các địa bàn còn lại.

Giá đất tính tiền sử dụng đất đối với diện tích trong hạn mức là giá đất do UBND cấp tỉnh qui định và chỉ bằng 30 đến 50% giá thị trường. Đối với diện tích ngoài hạn mức được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất nhằm giảm thiểu tối đa nhất các thủ tục về hành chính.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Huệ, khó khăn tài chính hiện nay về việc dành 10% tổng thu tiền sử dụng đất để làm công tác đo vẽ, lập cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính... Hiện Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ TN&MT trình Chính phủ về việc với những địa phương thực sự có khó khăn thì hàng năm dành một phần tăng thu trong ngân sách của địa phương để làm tốt công tác này.

Kiều Minh

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012

Xem thêm tại đây


Bình luận
vtcnews.vn