Thu thuế là khả thi nhất
Tại phiên họp ngày 13/7, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Trong đó, vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc còn nhiều ý kiến khác nhau nhất. Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đưa ra ba phương án: Thu thuế thu nhập cá nhân, xử phạt hành chính và phương án do ÐBQH đề xuất.
Qua cân nhắc kỹ từng phương án, cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án cho rằng, phương án xử phạt hành chính có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. Ðối với hai phương án còn lại, hai cơ quan này thống nhất chọn phương án một, thu thuế thu nhập cá nhân.
“Ðây là phương án có nhiều yếu tố hợp lý, đáp ứng được các yêu cầu về phòng chống tham nhũng, phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay và có tính khả thi nhất”, bà Nga nói.
Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền và xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về hai phương án còn lại.
Cho ý kiến về vấn đề này, các đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
Chẳng hạn, nếu áp dụng phương án đưa ra tòa thì ai là nguyên đơn, ai là bị đơn? Hay với phương án thu thuế thì chỉ áp dụng với các tài sản, thu nhập hợp pháp. Còn loại tài sản không giải trình hợp lý, có thể hợp pháp, cũng có thể không, nên rất khó áp dụng.
Coi như thu nhập vãng lai?
Giải trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và khó xử lý nhất là việc xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản.
Theo ông Khái, xung quanh vấn đề này có 6 phương án. Cụ thể là, thông qua con đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế- thuế, cuối cùng là thực hiện như luật hiện hành.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi trao đổi, hội thảo, xin ý kiến, cuối cùng thấy phương án thu thuế có nhiều yếu
tố phù hợp, áp dụng được với Việt Nam, nên đi sâu vào phương án này. Trong đó cần quan tâm đến tình trạng tài sản dù đã giải trình nhưng không hợp lý, và nhà nước cũng không chứng minh được vi phạm, không chứng minh được thuộc sở hữu của nhà nước.
“Loại này rất khó xử lý. Xử hình sự không được, dân sự cũng khó, hành chính cũng không xong. Nếu xử theo con đường hành chính - tư pháp thì phải có pháp lệnh. Ðây là việc khó, một chính sách mới. Nếu không bên nào nói của mình được thì xem như một khoản thu nhập vãng lai, thu nhập không thường xuyên”, ông Khái nói.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, nếu được chấp nhận thì phải tính một mức thuế bình quân. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, khi tính thuế rồi cũng không loại trừ, nếu có vi phạm thì tiếp tục xem xét theo trình tự tố tụng hình sự để xử lý cuối cùng.
Về mức thuế suất, nhiều ÐBQH cũng rất quan tâm. Ông Khái lý giải, trong trường hợp này được lấy mức thuế bình quân. Vì anh đã có khoản thu nhập để hình thành khoản đó ở quá khứ và hiện tại đã có tài sản đó. Do đó anh phải chịu một thuế suất chưa nộp trước đó mà đúng ra phải nộp và có thêm khoản phạt.
Do đây là việc khó, lại còn nhiều ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục lắng nghe, xem kinh nghiệm quốc tế ra sao. Cần lấy ý kiến Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra. Các cơ quan giúp việc cần tổ chức phiên họp, ghi nhận các ý kiến, để báo cáo và làm căn cứ chỉnh lý, làm sao cho thực sự thuyết phục, có lý lẽ.
Bình luận