• Zalo

Tổng Giám đốc VOV: Chúng tôi sẵn sàng đi vay để mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018

Thời sựThứ Ba, 21/08/2018 20:55:00 +07:00Google News

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ, việc mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018 nhằm mục đích cao nhất là phục vụ công chúng và sẵn sàng đi vay để phục vụ công chúng, dù có lỗ cũng chấp nhận.

Trưa 21/8, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã chính thức có được bản quyền phát sóng ASIAD 2018. Tất cả các nội dung thi đấu tại Á vận hội lần này sẽ được VOV và VTC phát trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh, báo điện tử và các nền tảng ứng dụng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề này.

- Ông có thể chia sẻ nguyên nhân gì dẫn đến việc Đài Tiếng nói Việt Nam quyết định mua bản quyền ASIAD 2018?

Khi mua bản quyền các chương trình thể thao, thường người ta nghĩ đến bản quyền truyền hình. Nhưng tôi nghĩ rằng bản quyền phát thanh cũng không kém phần quan trọng.

Những ngày qua, có thể thấy vì một số trục trặc nào đó nên các đơn vị khác chưa mua được bản quyền ASIAD 2018, mặc dù giải đấu đã diễn ra. Chiều hôm qua (20/8), tôi có một công việc phải vào Đà Nẵng. Khi vào đến Đà Nẵng rồi, tôi nghĩ rằng: Phải tiến hành mua bản quyền ASIAD. Khi nói như thế không phải là một sự ngẫu hứng mà đó là điều tôi đã nung nấu bấy lâu.

the ky

Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ. (Ảnh: Trọng Phú)  

Muốn mua được bản quyền, trước hết chúng ta phải đàm phán, tạo được mối quan hệ. Thứ hai là về năng lực của một cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình phải đảm bảo đủ lực lượng để tường thuật, đưa tin giải đấu thật tốt. Còn một điểm nữa là vấn đề kinh tế.

 
Chúng tôi sẵn sàng đi vay để phục vụ công chúng, dù có lỗ mình cũng chấp nhận

Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ

Tôi nghĩ rằng: Chúng ta mua bản quyền ASIAD vì công chúng, vì những người hâm mộ thể thao thì chắc sẽ nhận được sự chia sẻ từ các lực lượng xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.

Khi trao đổi với một số doanh nghiệp về vấn đề này, tôi thấy được tín hiệu tốt. Đến trưa nay (21/8), chúng ta đã chốt được bản quyền ASIAD 2018.

Chúng tôi sẵn sàng đi vay để phục vụ công chúng, dù có lỗ mình cũng chấp nhận. Một đất nước hơn 90 triệu dân mà phải đi xem một kênh trên mạng xã hội, không chính thống là điều đáng tiếc. "Khi đói thì củ khoai cũng quý", nhưng chúng ta cần phải chính danh nữa.

Sau chuyện này chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, ra quân sớm hơn. Không đơn vị này thì đơn vị khác phải phân công nhau làm. Không nên để công chúng "xao xác".

- Mục tiêu của Đài Tiếng nói Việt Nam khi mua bản quyền ASIAD là gì, thưa ông?

Tôi và lãnh đạo Đài nghĩ rằng: Chúng ta làm điều này trước hết là vì người hâm mộ. Chứ không phải vì thương hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Các doanh nghiệp hỗ trợ cũng không phải vì đánh bóng danh hiệu. Hai doanh nghiệp lớn đồng hành thậm chí còn không muốn nhắc tên.

Nếu mua bản quyền làm người hâm mộ mãn nguyện thì các doanh nghiệp đó đã cảm thấy hài lòng. Họ không đòi hỏi phải có quyền lợi gì trong việc quảng cáo hay tuyên truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Vừa qua, cũng có nhiều lời khích lệ động viên đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Nên chúng tôi nghĩ rằng: Đài đã làm một việc đúng. Nếu như tới đây, việc tường thuật các trận đấu tại giải chúng ta làm tốt thì lúc ấy, việc mua bản quyền mới thực sự ý nghĩa.

Một số nhóm phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đã và sẽ đi sang Indonesia. Đặc biệt là ở những địa điểm có khả năng giành thành tích cao của Đoàn Thể thao Việt Nam, chúng ta phải tiếp cận và đưa tin sâu sát.

Qua đây, tôi cũng gửi lời cảm ơn đến công chúng. Chính công chúng đã tạo động lực rất lớn để chúng tôi vượt qua khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Nói đúng ra là vì danh dự của đất nước, chúng ta đã làm một việc cần phải làm.

asiad

Với việc VOV có bản quyền phát sóng ASIAD 2018, người hâm mộ sẽ chấm dứt cảnh phải theo dõi các VĐV thi đấu qua các kênh không chính thống. (Ảnh: Trọng Phú)  

 - Làm thế nào để khai thác triệt để bản quyền mà chúng ta đã bỏ tiền ra mua?

Ngoài hiệu ứng xã hội, nếu chúng ta đạt được thêm hiệu quả kinh tế là điều tốt. Nhưng tôi vẫn luôn đặt kinh tế vào vế thứ hai. Nếu đặt kinh phí lên trước, chắc chúng ta không dám đặt vấn đề mua bản quyền.

Khi đọc báo, lên mạng xã hội, chúng ta thấy rằng người hâm mộ khao khát được theo dõi các VĐV, tuyển thủ Việt Nam thi đấu. Đó là một khao khát chính đáng. Kể cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng mong muốn có một đơn vị nào đó ở Việt Nam đứng ra để làm.

- Theo ông, kinh nghiệm rút ra cho các đơn vị báo chí sau việc này là gì?

Đây có thể xem là một kinh nghiệm cho các đơn vị báo chí. Từ nay trở đi, có những sự kiện thể thao văn hóa thu hút sự quan tâm của người dân, chúng ta phải chủ động. Nếu cần phải mua bản quyền, chúng ta cần đi tìm nguồn tài chính.

Nếu phải tác nghiệp trong những điều kiện kỹ thuật công nghệ cao, chúng ta phải mua sắm máy móc thiết bị. Bên cạnh đó là liên kết với các đơn vị khác. Nếu tranh thủ được các nguồn lực trong xã hội thì sẽ không có đơn vị nào nhỏ cả.

Sau này, chúng ta cần phải có cách làm chủ động, tích cực hơn. Từ đó mang lại hiệu quả chung để phục vụ công chúng.

Xin cám ơn ông!

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn