Trong một tuyên bố, bà Lagarde giải thích lý do từ chức là vì bà đã nắm chắc việc mình được đề cử để trở thành người đứng đầu tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Bà cũng cho biết, việc bà đệ đơn từ chức hôm 16/7 sẽ giúp IMF đẩy nhanh việc lựa chọn người đứng đầu tiếp theo, có khả năng là một người châu Âu khác.
"Với quy trình và thời gian cần thiết trong việc ứng cử chức chủ tịch ECB của tôi, tôi đã đưa ra quyết định từ chức vì lợi ích cao nhất của IMF. Quyết định này cũng sẽ thúc đẩy quá trình lựa chọn người kế nghiệm cho tôi", bà Largarde nhấn mạnh.
Hồi đầu tháng này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đề cử bà Lagarde vào vị trí chủ tịch ECB, thay cho ông Mario Draghi, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ 8 năm vào tháng 11.
Đơn từ chức của bà Lagarde chính thức có hiệu lực vào ngày 12/9 nhưng vai trò của bà Lagarde tại IMF sẽ tạm thời bị ngừng trong thời gian bà tranh cử tại ECB. Chuyên gia kinh tế David Lipton, Phó tổng giám đốc IMF, sẽ tạm thời thay thế bà Lagarde.
Người kế nhiệm bà Lagarde dự kiến sẽ là một trong những chủ đề thảo luận chính giữa các bộ trưởng tài chính G7 và các thống đốc ngân hàng trung ương trong họp vào thứ Tư và thứ Năm (17-18/7) tại Chantilly, Pháp.
Trong số các ứng cử viên có cựu Phó Thủ tướng, điều phối viên về chính sách kinh tế - xã hội của Singapore, Tarman Shanmugaratnam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá ứng cử viên người Singapore ít có cơ hội.
Ngoài ra còn có các ứng viên ngoài châu Âu khác như Raghuram Rajan - cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Agustin Carstens - chuyên gia kinh tế người Mexic, Phó Giám đốc điều hành IMF và Mohamed El-Erian, người Mỹ gốc Ai Cập - cựu Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư toàn cầu Pimco.
Kể từ khi thành lập từ năm 1945 đến nay, IMF trải qua 11 đời tổng giám đốc là người châu Âu. Thông thường, IMF sẽ do người châu Âu đứng đầu và Ngân hàng thế giới do một người Mỹ lãnh đạo.
Những năm gần đây, tổng giám đốc IMF là người Pháp như bà Lagarde, trước đó là ông Dominic Stos-Kahn và Michel Camdessus.
Bình luận