Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện vừa diễn ra tại Cảng Sài Gòn, TP.HCM. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước TP.HCM lần I năm 2023.
Trong 90 phút diễn ra, chương trình nghệ thuật đã tái hiện các giai đoạn chính của lịch sử khai phá, hình thành và phát triển của TP.HCM gắn với sông Sài Gòn - một trong những trung tâm kinh tế và văn hoá lớn nhất nước; tái hiện sinh hoạt văn hoá và kinh tế, nếp sống trên bến dưới thuyền của cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM trong hơn 300 năm qua.
Người xem chìm đắm vào lịch sử, văn hoá TP.HCM bằng mọi giác quan, cảm xúc. Nhiều phần trình diễn được cho là hùng tráng, diễm lệ đến xúc động.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết Dòng sông kể chuyện là chương trình đồ sộ và nặng nhất trong sự nghiệp của chị đến thời điểm hiện tại. Trước đó, chị và ê-kíp phải vượt qua nhiều khó khăn để thực hiện được show diễn hoành tráng và công phu, mãn nhãn với sân khấu trên sông Sài Gòn và khu vực bến cảng.
“Đầu tiên là vấn đề thời gian, chúng tôi đã từng có những thời điểm hoang mang, bối rối vì thời gian thực hiện quá gấp, chỉ trong vòng 1 tháng với khối lượng công việc khổng lồ, số lượng diễn viên hơn 700 diễn viên. Trong khoảng thời gian 15 ngày, chúng tôi làm việc với cường độ cao liên tục, gần như không có thời gian để ngồi tĩnh tâm hay ngơi nghỉ. Cứ sản xuất, luyện tập, xử lý các vấn đề, điều chỉnh…
Thứ hai là yếu tố thời tiết, chúng tôi vất vả trong quá trình luyện tập vì TP.HCM đang mùa mưa. Mưa liên tục, diễn viên, ê-kíp gặp mưa, chịu ướt, lạnh hàng ngày nhưng không ai được cho phép mình ốm.
Thứ ba là yếu tố con nước của sông Sài Gòn. Cho dù là chuyên gia giỏi nhất về mặt đường thủy đi chăng nữa thì trước con nước có tiếng là đỏng đảnh này cũng sẽ phải gặp rất nhiều vấn đề. Chúng tôi phải sắp đặt rất lâu, cả chục ngày trước khi diễn ra sự kiện. Mà trong chục ngày đó, con nước chưa khi nào ổn định, với 1 ngày 2 lần nước lên xuống, lượng bèo lục bình trôi quá nhiều, thậm chí có những ngày nước xiết không thể nào tập nổi.
Có những hôm đúng lúc tổng duyệt thì hệ thống nhạc nước bị gãy, không thực hiện được kỹ thuật. Có những khi tập flyboard không được vì bèo nhiều quá. Mỗi ngày chúng tôi đều phải căn sân khấu một lần vì lệch tâm do nước xiết, dù sà lan làm sân khấu đã dùng những mỏ neo trọng tải mấy chục tấn vẫn không đủ cố định, độ xoay, xê dịch của nó rất cao. Rồi thì diễn viên bị áp lực tập căng thẳng ngày đêm, tập dưới mưa...rất vất vả, nhiều người chịu không nổi...".
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, mặc dù chương trình sử dụng rất nhiều yếu tố kỹ thuật và công nghệ như hệ thống ánh sáng, thiết bị khủng, hệ thống âm thanh tối tân, hiện đại… Tuy nhiên, cũng như thông điệp của chương trình, kể về lịch sử hình thành, phát triển của TP.HCM để thấy được sự vĩ đại của con người khi biến một vùng đất hoang vu trở nên trù phú, giàu mạnh…, thì ở chương trình, bên cạnh câu chuyện lịch sử, tôn vinh bản sắc văn hoá của TP.HCM, một trong những điều cốt lõi mà kịch bản muốn hướng tới chính là tôn vinh con người nơi đây.
“Thành phố này đẹp, trở nên phồn vinh, thịnh vượng bởi vì họ có những con người tuyệt vời đã tạo ra. Chúng tôi muốn khán giả xem chương trình cảm thấy tự hào bởi họ đang được kế thừa một di sản vô hình tuyệt vời, đó chính là bản tính, đặc trưng tính cách có trong những con người của TP.HCM hôm nay: bản lĩnh, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, luôn sở hữu một nguồn năng lượng tích cực, nghĩa tình, hào sảng, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, luôn tiên phong trong sáng tạo…
Đó là lý do tại sao chúng tôi lựa chọn một khối lượng diễn viên rất lớn, để khán giả thấy vẻ đẹp của con người trong suốt chiều dài lịch sử đã kiến tạo nên thành phố này” - Tổng đạo diễn Lê Hải Yến nói.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cũng tự nhận, chị đã rất “liều” khi nhận lời TP.HCM đảm nhận thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, nhờ “liều” và táo bạo, luôn sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn mà đã có một Dòng sông kể chuyện được khán giả đánh giá là đầy bất ngờ, cực kỳ mãn nhãn, nhiều tiết mục gây choáng ngợp, diễm lệ…, giúp người xem hiểu hơn về TP.HCM và yêu hơn mảnh đất này.
Bình luận