Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP.HCM phỏng vấn ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM về nội dung này.
- Thưa ông, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thành phố mang tên Bác - thành phố "đầu tàu" kinh tế cả nước; là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh?
Có thể nói, đồng chí Tổng Bí thư dành sự quan tâm đặc biệt trong xây dựng, phát triển thành phố. Với vai trò là Tổng Bí thư, đồng chí đã 15 lần vào thăm, làm việc với TP.HCM, trong đó có nhiều buổi làm việc để tạo ra bước ngoặt, phát triển mới cho Thành phố.
Với 15 lần thăm và làm việc, mỗi lần là sự ghi nhận, đánh giá, chỉ đạo, định hướng về sự phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của thành phố cho thấy sự quan tâm không chỉ của cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà còn là sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với thành phố.
Sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư còn thể hiện cụ thể trong những thời điểm khó khăn nhất của thành phố về chống dịch COVID-19. Mặc dù sức khỏe và điều kiện chống dịch không cho phép, đồng chí Tổng Bí thư đã điện thoại, trao đổi trực tiếp với đồng chí Bí thư Thành ủy để dặn dò, chỉ đạo một cách rất sâu sát, để thành phố chủ động trong phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân, ổn định tình hình kinh tế, an ninh trật tự của thành phố.
Tổng Bí thư chia sẻ cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố trong phòng, chống dịch cho thấy trách nhiệm và tình cảm đặc biệt mà người đứng đầu đất nước, tạo sự động viên, cổ vũ to lớn đối với thành phố trong phòng, chống dịch chưa có tiền lệ này.
- Là một lãnh đạo thành phố đã từng tham dự một số buổi làm việc trực tiếp với Tổng Bí thư, ấn tượng nào về Tổng Bí thư làm ông nhớ nhất?
Tôi có hai kỷ niệm với đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lần thứ nhất là khi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ra Hà Nội làm việc với Bộ Chính trị về Báo cáo chính trị chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ thành phố.
Sau khi Thành phố báo cáo, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị có ý kiến thì đồng chí Tổng Bí thư có kết luận.
Trong nhiều nội dung kết luận cực kỳ quan trọng, có một ý mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra, đó là làm thế nào để cán bộ, đảng viên và nhân dân TP.HCM tự hào là địa phương duy nhất mang tên Bác Hồ kính yêu.
Sau khi về, Ban Thường vụ Thành ủy đã bàn, suy nghĩ và đi đến thống nhất việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, với mong muốn làm sao trong nếp nghĩ, nếp làm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thành phố theo tư tưởng của Bác Hồ và mang nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, TP.HCM.
Có thể nói, bước đầu việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tạo sức lan tỏa rất lớn trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, trong các tầng lớp Nhân dân và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn. Với việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, TP.HCM đặt mục tiêu và mong muốn, mỗi du khách trong nước và nước ngoài khi đặt chân đến Thành phố sẽ cảm nhận được cách sống, lối ứng xử rất riêng và mang tư tưởng, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lần thứ hai vào ngày 23/9/2022. Thời điểm đó, mặc dù sức khỏe không được tốt, nhưng đồng chí Tổng Bí thư rất quyết tâm và Bộ Chính trị đã sắp xếp để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào làm việc với cán bộ, đảng viên của TP.HCM.
Trong nhiều nội dung của buổi làm việc, đặc biệt là từ hướng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến tháng 10/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tháng 12/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Và đến ngày 24/6/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Cũng trong buổi làm việc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu với rất nhiều nội dung. Trong đó, ở phần kết của bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hát một khúc trong bài “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh”. Chính lời hát này như một động lực, thôi thúc, dấy lên lòng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố; phải làm sao cố gắng xây dựng, phát triển thành phố nhanh, bền vững như mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư.
Đồng chí Tổng Bí thư nói là xây dựng thành phố giàu có. Giàu ở đây không chỉ về vật chất mà còn phải giàu về lịch sử, văn hóa, giàu có về lòng khao khát, giàu có về cái nghĩa tình. Đó là những lời nhắn nhủ rất nhân văn, rất sâu sắc.
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến công tác cán bộ và đã có chỉ đạo, định hướng như thế nào để Thành phố cụ thể trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thưa ông?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều chỉ đạo về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có công tác cán bộ đối với Thành phố.
Có một câu nói của Tổng Bí thư mà chắc là nhiều người còn nhớ. Đó là đồng chí so sánh giữa đức và tài. Với người cán bộ đảng viên thì phải luôn gương mẫu rèn luyện. Đặc biệt, cá nhân đồng chí Tổng Bí thư luôn gương mẫu để cán bộ, đảng viên noi theo.
Ở cấp nào cũng vậy, trước hết là việc rèn đức luyện tài. Tại vì trong xã hội, cuộc sống có lúc này, lúc khác, con người cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, với mỗi cán bộ, đảng viên phải cố gắng trong cương vị được giao phải làm đúng, tốt chức trách của mình. Đặc biệt là tính tiền phong, gương mẫu.
Không phải bây giờ đồng chí Tổng Bí thư mới nói mà Bác Hồ trước đây cũng đã nói, các bậc tiền bối đi trước đã nói. Mỗi thời kỳ có sứ mệnh khác nhau, nhưng sứ mệnh chung của Đảng, của cán bộ, đảng viên đó là tạo sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất trong xã hội. Mà muốn đoàn kết, thống nhất thì phải có người làm gương, phải có người dấn thân, phải có người vì sự nghiệp chung, từ đó mới lan tỏa đến được với nhân dân.
Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu Đảng bộ thành phố hết sức quan tâm công tác đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ trẻ.
Theo Tổng Bí thư, Thành phố luôn dẫn đầu về sự năng động, sáng tạo, bứt phá, nên phải có đội ngũ cán bộ vừa "hồng" vừa "chuyên", thực sự năng động, dám nghĩ, dám làm vì sự phát triển của thành phố, bởi sự phát triển của thành phố cũng chính là vì sự phát triển của cả vùng và cả nước. Nếu thành phố làm tốt công tác cán bộ, sẽ tạo sự lan tỏa rất lớn.
- Như ông đã nói ở trên, cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành rất nhiều tình cảm, sự quan tâm với thành phố. Vậy, thành phố sẽ làm gì để đáp lại sự kỳ vọng đó?
Với vai trò, sứ mệnh Trung ương giao và kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư, hơn lúc nào hết cán bộ, đảng viên và nhân dân TP.HCM luôn trong tâm thế quyết tâm để xứng đáng vai trò đầu tàu của khu vực, của đất nước trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Mặc dù gặp không ít khó khăn và trong thời gian dài thành phố cũng có nhiều việc, vừa giải quyết các tồn đọng vừa phải đi tới. Thành phố đã và đang khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, sát thực để thực hiện tốt Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Chăm lo an sinh xã hội và làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các ban, bộ, ngành cùng sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố, chắc chắn Thành phố sẽ có những bước phát triển trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của Nhân dân, sự mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
Bình luận