Sáng 24/11, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội), Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu T.Ư (tại Nhà Quốc hội) đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Võ Văn Thưởng; cùng 600 đại biểu gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các Ban Đảng T.Ư, các bộ, ngành; văn nghệ sĩ và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và sẽ có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Trước lễ khai mạc, lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Triển lãm này diễn ra từ 16-27/11/2021 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trưng bày ngày 24/11/2021 tại tầng một Nhà Quốc hội.
Ban Tổ chức cho biết đã chọn ra 320 hình ảnh, hơn 123 tài liệu, hiện vật quý với các nội dung: Một số hình ảnh về văn hóa Việt Nam trước năm 1930; Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam; Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với sự nghiệp phát triển văn hóa; Văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; Văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.
Như vậy là 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu T.Ư
Hội nghị với hơn 150 tham luận, được kết nối trực tuyến tại các điểm cầu ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước.
Các tham luận gửi tới hội nghị nhằm khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa; đồng thời, các tham luận cũng “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức của con người Việt Nam thời đại mới. Trong ảnh: Các đại biểu Trung ương tham dự hội nghị tại toà nhà Quốc hội.
Toàn cảnh hội nghị.
Bình luận