Sáng 12/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tổ đại biểu số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ.
Cuộc tiếp xúc diễn ra ngay sau hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV (khai mạc cuối tháng 10).
Kỷ luật ông Xuân Anh - vừa mừng vừa đau xót
Là người đầu tiên phát biểu ý kiến, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (cử tri phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) cho rằng chúng ta đã đấu tranh mạnh mẽ với những tiêu cực trong nội bộ Đảng và bộ máy Nhà nước để đem lại trong sạch trong đội ngũ lãnh đạo.
"Hội nghị Trung ương 6 đã xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm như trường hợp Bí thư Đà Nẵng. Có người hỏi tôi có mừng hay không. Tôi nói vừa mừng vừa đau xót", ông nói và khẳng định người dân sẽ luôn bên cạnh Đảng để đấu tranh với tiêu cực.
Tuy nhiên, tướng Thước cũng đưa ra những vụ việc chưa làm đến nơi đến chốn. “Vụ Yên Bãi rõ ràng như ban ngày mà chưa làm ra được. Điều này chứng tỏ Trung ương quyết liệt nhưng địa phương chưa thì kết quả cũng chưa mong muốn”, ông nói.
Ông đề nghị làm quyết liệt hơn nữa, đừng để những vụ như Thanh Hóa, Yên Bái, làm rõ những sai phạm các dự án BOT…
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (phường Tây Hồ) đánh giá quyết định kỷ luật Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là tiếng pháo đầu tiên dự báo cho tất cả những người được Đảng giao trọng trách. “Một cán bộ rất trẻ, con của một đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao mà chúng ta vẫn phải bỏ phiếu kỷ luật là tấm gương cho các đồng chí khác”.
Về việc chống tham nhũng, cử tri Toán đánh giá nhiều cán bộ chi tiêu tiền của Nhà nước vô tội vạ như vụ án tại Oceanbank vì vậy án tử hình là làm gương cho những kẻ tham nhũng và có ý đồ tham nhũng.
Cử tri Trương Đức Ngãi (Ba Đình) cho rằng người dân rất hoan nghênh vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. “Chúng tôi đề nghị cần phát huy vai trò Ủy ban kiểm tra ở các cấp chứ không chỉ ở Trung ương. Có như vậy việc phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm mới vững mạnh. Trong khi đó hoạt động của Thanh tra Chính phủ chưa được như mong muốn, chưa được như yêu cầu", ông Ngãi nêu.
Không để kẻ tham nhũng hạ cánh an toàn
Cử tri Trần Viết Hoàn (nguyên Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ chủ tịch) cảm kích trước việc “đánh” tham nhũng của Đảng, Nhà nước vừa qua. Ông nói: “Nhân dân hoan nghênh khi tuyên án Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm, bắt Trầm Bê, kỷ luật Nguyễn Xuân Anh… Điều này làm phấn chấn, yên lòng dân và cho thấy Đảng ta ngày càng khỏe hơn. Đảng, cấp cao cứ châm lò, nhân dân sẽ bỏ củi khô, tươi vào”.
Ông cho rằng cán bộ bị tha hóa là do danh và lợi. Những án lớn vừa qua được xử nghiêm sẽ giúp cho cán bộ quản lý, đặc biệt là cán bộ cấp cao càng thấm sâu và tự xem lại để răn dạy bản thân mình.
“Đảng kêu gọi giảm biên chế nhưng con số cán bộ ngày càng tăng, để Tổng Bí thư phải nói tiêu tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng hàng năm. Nhiều nơi lợi dụng chủ trương luân chuyển cán bộ có vào mà có ra, có lên không có xuống, hỏng chỗ này chuyển đến chỗ khác thì lại lên cao hơn. Thủ tướng nói 'tìm người tài không tìm người nhà' nhưng nhiều nơi vẫn đưa người thân vào đề bạt các chức vụ”, cử tri Hoàn nêu.
Cử tri Nguyễn Bảo (phường Trúc Bạch) cho biết người dân hoan nghênh khi Đảng và Nhà nước đã đưa ra ánh sáng xét xử nhiều vụ án tham nhũng nhưng cử tri cũng bàng hoàng nhận thấy bọn tham nhũng đã cướp không của nhân dân khối tài sản khổng lồ. Tử hình, chung thân là những hình phạt thích đáng, nhưng nhân dân mong muốn thu lại những tài sản đã mất.
Cử tri Nguyễn Văn Huyến cho rằng sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng phải đảm bảo tính răn đe, phải làm sao cho những kẻ chống tham nhũng không thể tham nhũng. Luật cũng không thể để những kẻ tham nhũng về hưu được hạ cánh an toàn.
Đấu tranh để đoàn kết, chứ không phải gây đổ vỡ
Trước hàng loạt ý kiến tâm huyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: "Mỗi lần tiếp xúc với các bác, các anh chị dù là thời gian ngắn nhưng chúng tôi như được tiếp thêm sinh lực mới. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn. Tiếc là thời gian hạn hẹp nên nói ngắn, hiểu nhiều".
Theo Tổng Bí thư, kỳ họp sắp tới của Quốc hội dự kiến khai mạc từ 23/10 đến 23/11 với nhiều nội dung, trong đó vẫn tập trung vào xây dựng luật pháp. Dự kiến Quốc hội thông qua một số luật, cho ý kiến lần đầu, lần thứ 2 đối với một số luật. Luật Phòng, chống tham nhũng, cần làm rất cẩn thận, thận trọng. Đây là kỳ họp cuối năm, Quốc hội cũng sẽ xem xét tình hình kinh tế - xã hội, tài chính, thu chi.
"Thứ ba là vấn đề nhân sự, sắp tới Quốc hội sẽ bổ sung vào chương trình chính thức. Chúng ta sẽ bổ sung, điều chỉnh thêm một số vị trí thuộc thẩm quyền Quốc hội xem xét", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho biết những ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn của các cử tri lão thành đều được chi chép cẩn thận, đầy đủ song nhiều việc không chỉ nói 1 lần là làm được ngay. Ví dụ tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế là vấn đề lớn và Trung ương đã bàn thảo kỹ lưỡng nhưng có rất nhiều vấn đề phức tạp nên phải làm dần từng bước. Đấu tranh phòng chống tham nhũng được xã hội rất quan tâm, có những vụ án mấy năm trời không xử được vì việc điều tra liên quan tới bao nhiêu thứ khác, cần làm đúng, đủ theo luật.
"Một vụ việc kiểm tra làm rất kiểm tra, rất quyết liệt có những vụ rất nhanh. Thông thường các bác biết rồi, anh nào cũng kêu oan nhưng dân bảo rằng vẫn còn nhẹ…. Nhưng cuối cùng, các bác thấy các vụ án, các vụ kỷ luật kiểm tra đều tâm phục, khẩu phục. Thậm chí có đồng chí bị kỷ luật còn nói lời cảm ơn vì đã bị kỷ luật. Cảm ơn các bác đã động viên Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã làm một số việc, sự tiến bộ nhưng cũng chỉ ra những điểm chưa làm được", Tổng Bí thư nói.
"Đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để đổ vỡ. Đấu tranh để mọi người đừng đi qua vết xe đổ, chứ không phải để gây bất mãn trong xã hội. Không thể đánh cho một đòn chết tươi mà kỷ luật cốt để họ sửa để trưởng thành”, Tổng Bí thư nhắn nhủ.
Video: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích về việc kỷ luật ông Đinh La Thăng
Bình luận