Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, từ sau Đại hội lần thứ XII của Đảng, tình hình thế giới và trong nước bên cạnh những thuận lợi cơ bản cũng có nhiều vấn đề mới nảy sinh, khó khăn hơn trước, do đó mục tiêu, yêu cầu đối với công tác đối ngoại cũng cao hơn trước.
Tổng Bí thư khẳng định, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, công tác đối ngoại trong gần 3 năm qua, đặc biệt trong năm 2017, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước ta, nổi bật thể hiện ở những khía cạnh:
Công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước những biến động nhiều mặt, rất phức tạp trên thế giới và khu vực, những diễn biến không thuận của môi trường an ninh xung quanh, những tác động tiêu cực từ bên ngoài, chúng ta đã tiếp tục có những quyết sách đúng đắn, có bước đi phù hợp để phục vụ phát triển kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Việt Nam đã chủ động tích cực vận động thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết những bất đồng và những vấn đề tồn tại liên quan đến phân định ranh giới biển, vừa bảo vệ được quyền chủ quyền, quyền tài phán của ta, đồng thời cùng các nước khác tiến hành công tác phân giới, cắm mốc, mở các cửa khẩu mới; quản lý đường biên giới và các hoạt động hợp tác xuyên biên giới, làm cho các đường biên giới trên bộ vừa là đường biên giới hòa bình, hữu nghị vừa là đường biên giới phát triển.
Công tác đối ngoại đã phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011-2015, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực, nhất là đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu.
Đáng chú ý, mặc dù xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư, du lịch từ các đối tác chủ chốt năm sau vẫn tăng hơn năm trước. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt gần 36 tỷ USD, tăng 44,4 %, cao nhất trong 10 năm qua, trong đó vốn giải ngân đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016.
Các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỷ USD cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục, hơn 13 triệu người.
Đến nay đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việt Nam đã ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 Hiệp định đã có hiệu lực. Hội nhập kinh tế tiếp tục tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế nước ta.
Công tác đối ngoại tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững; quan hệ với các nước lớn tiếp tục được củng cố và thúc đẩy hài hòa, tranh thủ được các yếu tố tích cực, hạn chế được những bất đồng để phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của quốc gia.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào và Campuchia. Các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện tiếp tục được thúc đẩy phát triển, phát huy được các mặt tích cực.
Chúng ta đã đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển, an ninh của đất nước. Cụ thể hóa và đưa khuôn khổ đã xác lập đi vào chiều sâu, thực chất, tạo sự đan xen, gắn kết giữa lợi ích của ta với các nước.
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi mặt, tiếp tục phát huy vai trò tích cực tại các thể chế khu vực và toàn cầu, trong đó nổi bật là đã tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết, hợp tác và tự cường.
Đặc biệt, Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2017, đã tranh thủ tốt vị trí nước chủ nhà, khẳng định được vai trò và khả năng của Việt Nam trong việc xử lý những vấn đề quốc tế và khu vực.
Chủ động triển khai chiến lược đối ngoại về quốc phòng, an ninh phù hợp với tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia; khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài, vị thế của đất nước nhằm phục vụ mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao văn hóa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Chúng ta đã chủ động, kiên quyết đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.
Video: Người làm tuyên giáo nói được, làm được, không để thế lực xấu cám dỗ
Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt, ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai khá đồng bộ, chặt chẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng…
Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội 12 và các chủ trương liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng ta.
Chúng ta đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Trong các tình huống phức tạp, chúng ta đã kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, bám sát yêu cầu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kết hợp với yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.
Trong các chủ trương, bước đi, chúng ta luôn có được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Những kết quả đó có được là nhờ sự lãnh đạo chặt chẽ, thường xuyên của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sự điều hành chủ động, linh hoạt của Nhà nước, sự vào cuộc và sự triển khai tích cực của tất cả các cấp, các địa phương, các ngành, nhất là ngành ngoại giao.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và cán bộ Bộ Ngoại giao nói riêng.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư biểu dương, chúc mừng và cảm ơn những đóng góp to lớn, rất có ý nghĩa đó của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại nói chung và của ngành ngoại giao nói riêng.
Bình luận