Bài toán kinh tế
Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Năm 2023 Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương đưa ra “Sách trắng”. Theo đó, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022.
Bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết: Tính trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch TMĐT ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, năm 2025, quy mô thị trường sẽ tăng lên 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.
“Những con số này đều cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam khá cao. Thương mại điện tử, đặc biệt quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh sẽ dẫn đến tăng lượng lớn rác thải bao bì và vật liệu nhựa” - bà Thúy Anh nhận định.
Rác thải nhựa trong thương mại điện tử đến từ dịch vụ hoàn tất đơn hàng trong bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ, bao gồm: (1) bao bì đóng gói trong dịch vụ mua sắm hàng hoá trực tuyến: túi giấy, túi nilon, màng xốp hơi; vật liệu dùng để chèn, lót như mút xốp, màng bọc nilon, nhựa sinh học… (2) bao bì, dụng cụ nhựa trong dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ: túi nilon, dụng cụ thìa, dĩa bằng nhựa dùng một lần.
Năm 2023, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam ban hành “Báo cáo tóm tắt chất thải nhựa bao bì từ Thương mại điện tử tại Việt Nam”.
Báo cáo được công bố đầu năm 2024, trong đó có nêu: tổng số gói, kiện hàng hoá ước khoảng 1,84 tỷ; quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD. Ước tính thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 sử dụng khoảng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa khoảng 171 nghìn tấn.
Những con số này cho thấy quy mô sử dụng bao bì với thành phần vật liệu, dụng cụ nhựa trong đóng gói là rất cao do vật liệu nhựa đóng gói thường rất rẻ và nhẹ tiết kiệm lớn trong chi phí giao hàng chặng cuối.
Như vậy, giảm bao bì nhựa trong doanh nghiệp thương mại điện tử không đơn giản là sự thay thế vật liệu đơn thuần mà đó còn là giá cả, lợi nhuận trong kinh doanh.
“Cùng một số tiền A chúng tôi có thể bọc được khoảng 50 đơn hàng bằng chất liệu nilong. Nhưng nếu thay thế bằng vật liệu khác, cũng số tiền ấy chỉ đáp ứng khoảng 30 đơn hàng, nghĩa là đã đội chi phí” - chị Nguyễn Thanh Tâm, chủ shop quần áo trẻ em có gian hàng trên Shopee, chia sẻ.
Lộ trình không xa
Một số nước trên thế giới có nghiên cứu, đánh giá định lượng về quy mô rác thải từ thương mại điện tử, tuy nhiên đến nay, các nghiên cứu định lượng vẫn chưa có nhiều.
Theo đó, bước đầu tiên trong quy trình giảm bao bì nhựa là đánh giá hiện trạng sử dụng bao bì. Doanh nghiệp cần phân tích khối lượng bao bì nhựa đang sử dụng, xác định các loại bao bì không cần thiết và nhận diện các yếu tố chính gây lãng phí. Từ đó, họ có thể thiết lập các mục tiêu giảm nhựa cụ thể và khả thi, như giảm 20-30% khối lượng bao bì nhựa trong vòng 2-3 năm.
“Nói cách khác, doanh nghiệp sẽ phải tự kiểm kê, đo lường và lập kế hoạch. Hơn ai hết, họ hiểu nhu cầu đóng gói, sử dụng bao bì phù hợp với sản phẩm của họ. Sau đó doanh nghiệp sẽ có hành động của thể hơn” - ông Trần Văn Trọng, Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), nêu ý kiến.
Việc thiết kế bao bì là yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu nhựa. Điều này được tính toán khi Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực.
Tại điều 78, chương 4 của Nghị định 08/2022 NĐ-CP nêu rõ: “Tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm, bao bì tối thiểu phải được tái chế theo quy cách tái chế bắt buộc trên tổng khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất được đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện”.
Trả lời báo chí, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, với quy định này, để giảm tỉ lệ tái chế, doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại toàn bộ quá trình từ khâu thiết kế bao bì, đến khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Các công ty cần ưu tiên thiết kế bao bì có kích thước nhỏ gọn, giảm thiểu khoảng trống thừa và sử dụng ít nhựa hơn. Thay vì dùng bao bì nhựa một lần, doanh nghiệp có thể chuyển sang bao bì làm từ các chất liệu tái chế như giấy, bìa cứng hoặc nhựa tái chế. Hoặc sử dụng bao bì đa chức năng, có thể được tái sử dụng nhiều lần hoặc phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau sau khi giao hàng, từ đó giảm thiểu rác thải.
Để giảm thiểu lượng nhựa, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa quy trình đóng gói. Đó là sử dụng phần mềm quản lý đóng gói thông minh, giúp tối ưu hóa kích thước và trọng lượng gói hàng, giảm thiểu việc sử dụng nhựa không cần thiết. Nhân viên cần được đào tạo cách sử dụng vật liệu bao bì một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất.
Tiếp đến là cải tiến chuỗi cung ứng vận chuyển. Đó là vận chuyển gói hàng tập trung, chuyển gộp hàng từ nhiều đơn hàng nhỏ thành một gói lớn giúp hạn chế sử dụng bao bì nhiều lớp. Điều này giảm thiểu số lần vận chuyển và giúp tiết kiệm năng lượng.
Quy trình giảm bao bì nhựa trong thương mại điện tử đòi hỏi sự kết hợp giữa thiết kế thông minh, cải tiến công nghệ và sự hợp tác từ người tiêu dùng. Việc tối ưu hóa bao bì không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp.
“Bộ Công Thương hiện đang phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm xác định một số mục tiêu cụ thể trong đóng gói bao bì và vận chuyển hàng hoá thương mại điện tử nhằm định hướng phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững” - bà Nguyễn Thúy Anh, Trưởng phòng Kinh tế số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhấn mạnh.
Bình luận