"Năm nào cũng vậy, không phải chỉ khi mắc căn bệnh cần tới bác sĩ, mà cứ vào ngày này, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, mình đều dành những lời chúc hay nhất để gửi cho những người trong ngành y được khoác trên mình tấm áo trắng thuần khiết.
Trong ngày hôm nay, trải qua bao biến cố khắc nghiệt với bản thân, nhìn lại những sự việc đáng tiếc xảy ra đối với các bác sĩ, mình không dành lời chúc nữa mà muốn viết một đôi dòng như lời tri ân và thức tỉnh cách nhìn, cách hành xử đối với những "thiên thần áo trắng", người một thời điểm nó đó có thể “sinh ra ta lần thứ 2”.
Bác sĩ không phải thánh nhân. Họ cũng là người trần. Không phải bất cứ cái gì họ cũng phải làm được, trong mọi trường hợp họ đều phải là những “Hoa Đà tái thế”, bệnh gì cũng chữa được, không sai sót bao giờ.
Họ cũng muốn bệnh nhân được chữa khỏi như ta và người thân mong muốn vậy. Nhưng có những cái ngoài tầm tay của họ, dù không muốn nhưng họ vẫn đành bất lực rồi lặng thầm chiụ nỗi đau.
Vì họ là "người phàm" thôi nên họ cũng biết: Hỉ, nộ, ái, ố, cũng biết mệt mỏi, căng thẳng khi quá sức. Kể cả những người tu hành, để đạt được chữ nhẫn trong mọi hoàn cảnh đâu phải dễ dàng.
Trong thời gian gần đây, những hành xử theo kiểu giang hồ đối với các bác sĩ, người đang bảo vệ, chăm sóc, thậm chí quyết định một phần sinh mệnh của bệnh nhân thực sự đáng lên án.
Dĩ nhiên, trong số những bác sĩ hết lòng tận tụy với bệnh nhân vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng không vì thế mà được phép làm tổn thương cả ngành Y tế, các y bác sĩ, nhân viên y tế vì những con sâu đó không nhiều.
Trước khi làm điều gì ta thử đặt mình vào họ, thử xem trong hoàn cảnh đó mình sẽ cư xử thế nào.
Nhà có một bệnh nhân mà cả gia đình căng thẳng, mệt mỏi, suy sụp vì lo lắng, mệt mỏi, đau đớn và những tiếng rên đau, những bực bội khi người bệnh căng thẳng. Bản thân người nhà nhiều khi cũng bực bội, khó chịu và cũng trốn đi đâu đó một chút, thậm chí còn "muốn phát điên”.
Các bác sĩ mỗi ngày phải khám chữa, chăm sóc, điều trị cho cả trăm bệnh nhân. Họ phải trả lời một ngày hàng trăm câu hỏi giống y hệt nhau. Thần kinh họ không phải được làm bằng thép. Họ cũng biết mệt, biết căng thẳng và cũng có lúc... không muốn trả lời.
Đằng sau những cái được gọi là “mặt lạnh" họ có gì nhỉ? Họ không có được 1 tuần nghỉ Tết trọn vẹn như chúng ta, mà thay nhau trực đủ mấy ngày Tết.
Họ không có một giấc khuya trọn vẹn vì có những ca cấp cứu lúc nửa đêm. Với họ chỉ là những giấc ngủ chớp nhoáng, mệt mỏi sau 1 ngày mệt nhoài với những ca khẩn cấp, với hàng trăm người bệnh.
Là khi con đau bệnh vẫn bỏ con đi trực, chăm sóc con người khác. Là khi cha, mẹ, yếu mệt vẫn cố nhắn nhủ: 'Chờ con thêm chút nữa, bệnh nhân ổn con sẽ về ngay'.
Là những ngày lễ, ngày cuối tuần không được thư thái dẫn con đi chơi. Là khi làm hết sức mà không cứu nổi bệnh nhân nhưng cái nhận được những lời rủa xả, chưa nói tới bị hành hung nhục mạ.
Là những đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ và những thiệt thòi vợ/chồng, con phải chia cùng.
Bệnh nhân ung thư chúng tôi được các bác sĩ gọi là chiến binh kiên cường. Nhưng tôi lại thấy họ cũng thật kiên cường trên trận tuyến thầm lặng.
Họ im lặng chịu đựng nỗi đau khi bất lực nhìn bệnh nhân ra đi. Họ im lặng chịu đựng cơn thịnh nộ của bệnh nhân và người thân của họ khi không thể làm được những việc quá sức họ.
Họ nhận một lời cám ơn khi thức trắng đêm tìm đủ mọi cách, quên cả mệt mỏi cứu sống bệnh nhân nhưng mau chóng bị lãng quên và ngay sau đó nhận ngay những lời thóa mạ, cơn thịnh nộ khi có gì đó sai sót hay thái độ không vừa lòng với bệnh nhân.
Video: Bác sĩ chuyên nhận tạng hiến bị mang tiếng 'buôn bán nội tạng'
Cả năm thầm lặng tận tâm với bệnh nhân để được tung hô trong một ngày.
Tôi thương họ, những thiên thần áo trắng. Họ không cần tôn vinh, không cần câu chúc tụng đầu môi mà chỉ cần sự tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu".
Bình luận