• Zalo

Tôi thà bị chê ngu cũng đầu tư sản xuất chứ không kiếm chác bằng đầu cơ đất

Ý kiếnThứ Tư, 02/10/2024 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Dù kiếm ít, tôi vẫn theo đuổi đầu tư sản xuất để tạo ra nhiều giá trị cho xã hội; nếu ai cũng đổ hết tiền vào đầu cơ đất đợi kiếm lời lớn thì nền kinh tế sẽ ra sao?

Giá bất động sản "nóng bỏng tay" suốt thời gian qua khiến hết người này đến người khác tỏ ý tiếc cho tôi, bảo tôi khờ quá, nhiều năm trước nếu nghe họ, cứ có tiền là "ném vào đất” thì có phải trúng đậm rồi không.

Tôi biết sau lưng mình, họ sẽ dùng những từ "thẳng thắn" hơn, nói tôi ngu, gàn khi khăng khăng giữ quan điểm phải đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mới thực sự tạo ra giá trị cho xã hội và giúp kinh tế phát triển; đổ tiền vào đầu cơ đất thì chỉ kiếm lợi cho bản thân mình. Tỷ suất lợi nhuận tôi thu về không thể lớn như những người "trúng đất", việc kinh doanh nhiều khi cũng rất gập ghềnh trắc trở, thua lỗ, nhưng tôi vẫn kiên định với quan điểm của mình.

Tôi  38 tuổi, đã có hơn chục năm kinh nghiệm kinh doanh. Tôi đang có một công ty sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, ngoài ra còn kinh doanh quán cà phê.  

Tôi khởi nghiệp với ngành nghề thủ công, sản xuất sản phẩm xanh vào năm 27 tuổi sau mấy năm chật vật lăn lộn ở cả môi trường cơ quan nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân. Gia đình ở quê ủng hộ, đầu tư cho tôi hơn 300 triệu đồng, số tiền không nhỏ ở thời điểm đó. May mắn là lĩnh vực kinh doanh của tôi được đón nhận, sản phẩm bán tốt, thậm chí được xuất khẩu tới một số thị trường nước ngoài. Số vốn ban đầu được nhân lên nhiều lần chỉ sau 3 năm.

Lúc này, nhiều bạn bè và người thân bảo với tôi rằng khôn ngoan nhất là đầu tư mua bất động sản ở Hà Nội, bởi giá đất Thủ đô đang tăng vùn vụt, chỉ cần đầu tư vào một số lô đất vùng ven, để vài năm là giá có thể gấp đôi. 

Tôi không hối hận khi từ chối đầu cơ đất, dành tiền đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Công Hiếu)

Tôi không hối hận khi từ chối đầu cơ đất, dành tiền đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Công Hiếu)

Nghe vậy tôi cũng cực kỳ hào hứng. Kiếm nhiều tiền thì ai chẳng ham, nhất là khi tôi chưa có gì nhiều nhặn trong tay. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ một chút, tôi bỏ qua gợi ý đó, vì nếu dồn tiền mua bất động sản, việc kinh doanh hiện tại của tôi sẽ phát triển chậm lại và có nguy cơ teo tóp đi khi số vốn được chuyển sang hình thức đầu tư khác.

Với người trẻ khởi nghiệp như tôi, cơ sở kinh doanh đầu đời là đứa con mà khi đã mang nặng đẻ đau thì phải dành tâm huyết để nuôi lớn. Hơn nữa khi đã phát triển đến mức độ nhất định, sự hưng suy của xưởng sản xuất còn liên quan đến cuộc sống của một số gia đình khác và tôi là người chịu trách nhiệm lo lắng cho thu nhập của họ. Vì vậy, tôi chỉ mua trả góp một căn hộ cho gia đình nhỏ của mình, dồn tiền mở rộng sản xuất.

Sau đó càng đi sâu vào kinh doanh, tôi càng suy nghĩ nhiều về việc mình có thể tạo ra giá trị gì cho xã hội ngoài việc kiếm tiền cho bản thân. Tôi muốn tạo ra thêm nhiều sản phẩm và việc làm, giúp nền kinh tế phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhiều người nhất có thể.

Mấy người anh ngoài xã hội nghe vậy đều lắc đầu bảo tôi tuổi trẻ lãng mạn nên mới thế, sau này kiểu gì cũng sẽ hối hận. Nhưng cho đến giờ, đó vẫn là mong muốn của tôi. Tôi cho rằng làm giàu chân chính là việc kiếm tiền cho bản thân phải song song với làm lợi cho xã hội.

Tôi đầu tư một quán cà phê và mở rộng cơ sở kinh doanh các sản phẩm xanh. Từ một kho xưởng ở quê với hơn 10 nhân sự, công ty của tôi đã có lúc thuê gần 50 người làm việc không kể ngày đêm nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường ở thị trường nước ngoài tăng mạnh.

Mỗi sản phẩm của chúng tôi bán ra sau khi trừ tất cả chi phí chỉ đem về khoảng 15% lợi nhuận. Mặc dù không kiếm tiền nhanh nhưng tôi thấy đó là giá trị bền vững. Hơn thế, hoạt động kinh doanh của tôi giúp cho gần 50 con người có công việc ổn định, thu nhập ở mức tương đối.

Quán cà phê tôi đầu tư trước đó cũng có lượng khách tốt do nằm ở vị trí đông dân văn phòng. Tôi mời đối tác góp vốn, mở thêm 2 cơ sở nữa, duy trì hoạt động ổn định.

Trong hành trình lập nghiệp của mình, tôi vẫn luôn theo dõi diễn biến của thị trường bất động sản nhưng không hề sốt ruột hay hối tiếc khi thấy nhiều bạn bè giàu lên rất nhiều nhờ cách mua nhà, đất, chờ lên giá. Sau khi trả hết tiền cho căn hộ đầu tiên, tôi mua ngôi nhà khác gần đó nhưng không phải để đầu tư mà để ít năm nữa bố mẹ già yếu thì đón lên, chúng tôi có thể ở gần chăm sóc, cũng để sau này hai đứa con có chỗ ở.

Chuyện kinh doanh của tôi mấy năm gần đây không suôn sẻ. Đại dịch COVID-19 làm tôi mất hẳn các đơn hàng xuất khẩu; khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm xanh mà tôi bán giảm đến mức tối thiểu. Từ chỗ có gần 50 nhân sự, tôi buộc phải cắt giảm còn 5 người, lượng hàng tồn kho còn nhiều mà không thể bán. Dịch dã kéo dài khiến 3 quán cà phê phải dừng hoạt động thời gian dài. 

 

Đại dịch qua đi, nền tảng kinh doanh mà tôi gây dựng chục năm trời bị lung lay, tôi rất cố gắng nhưng đến nay mới hồi phục một phần. Hiện tôi chỉ duy trì hoạt động của một quán cà phê, công ty sản xuất cũng đã có đơn hàng trở lại, số lượng nhân sự được bổ sung lên hơn 10 người. 

Lúc này, những người trước đây khuyên tôi đầu tư tỏ ý chê cười, bảo nếu tôi nghe họ thì dù xảy ra biến cố gì cũng chỉ có lãi mà không sợ lỗ. Quả thật, sau dịch, những lô đất mà hồi đó họ giới thiệu đã tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Nhưng tôi không hối hận. Nếu tất cả những người có tiền đều chỉ đi mua đất chờ lên giá bán kiếm lời thì nền kinh tế sẽ ra sao? Giá nhà sẽ càng bị đẩy lên cao vút, vượt quá tầm với của số đông người lao động; trong khi các ngành sản xuất và dịch vụ không được đầu tư phát triển sẽ èo uột, việc làm khan hiếm, thu nhập thấp.

Không có công việc, không có thu nhập thì người dân lấy đâu ra tiền mua đất? Nền sản xuất không phát triển thì hàng hóa càng khan hiếm, đắt đỏ, tạo nên cái vòng luẩn quẩn của nghèo khó, mức sống thấp. Khi đó, người đầu cơ đất sẽ bán cho ai? Giá cao quá sẽ làm bong bóng vỡ tan. Nếu chỉ nghĩ về lợi ích trước mắt của bản thân, đổ tiền vào bất động sản mong mua rẻ bán đắt thì có nghĩa tôi đang tiếp tay cho việc phá vỡ nền kinh tế tuần hoàn.

Tôi cho rằng bất cứ việc gì cũng cần phải cho đi mới có thể nhận lại. Dù lúc này đang gặp nhiều khó khăn, tôi vẫn kiên định với triết lý kinh doanh của mình rằng kiếm tiền thì cũng cần đem lại lợi ích cho sự phát triển của xã hội. Do đó, dù việc đầu cơ đất có đem lại mức lãi cao hơn nhiều lần thì tôi cũng không ham.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Đức Thiện
Bình luận
vtcnews.vn