Theo Channel New Asia, Manila hy vọng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ mở ra hướng đi mới để thực hiện những thỏa thuận đầu tư và dự án cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh từng hứa hẹn trong chuyến thăm của ông Duterte tới Trung Quốc hai năm trước.
Theo Reuters, trong chuyến đi tới Bắc Kinh năm 2016, Tổng thống Duterte ký kết 27 thỏa thuận, trong đó có cam kết cho Manila vay 9 tỷ USD với lãi suất thấp và cam kết đầu tư 15 tỷ USD vào các dự án đường sắt, cảng, năng lượng và khai thác mỏ. Tuy nhiên, các thỏa thuận đều không nêu rõ thời gian cụ thể. Những thỏa thuận này được ký kết chỉ vài tuần sau khi ông công khai chỉ trích mối quan hệ Mỹ - Philippines chẳng khác nào mối quan hệ "chủ - tớ" và rằng sẽ tốt hơn khi Philippines hợp tác với Trung Quốc.
Kể từ đó, mới chỉ có một thỏa thuận được hiện thực hóa là khoản vay 73 triệu USD cho dự án thủy lợi ở phía bắc thủ đô Manila. Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia trong cuộc họp báo đồi đầu tháng nói rằng quá trình cho vay của Trung Quốc có vẻ chậm hơn với những gì Manila nhận được từ các nước khác như Nhật Bản. Điều này khiến ông Duterte vấp phải không ít chỉ trích cho rằng ông đã "bị lừa" và vì các lợi ích kinh tế đã "xuống nước" với một đối thủ đang có tranh chấp về lãnh thổ.
"Sau làn sóng đón chào những thông báo của Trung Quốc trong năm 2016, chúng tôi nhận ra rằng những tuyên bố đầu tư từ Trung Quốc đã bị thổi phồng quá mức", ông Richard Heydarian đến Viện ADR-Stratbase nhận định. "Tôi cho rằng Nhật Bản, Mỹ và các nước khác ở châu Âu vẫn sẽ là những nhà cung cấp đầu tư nước ngoài chính của Philippines".
Theo ông Heydarian, Tổng thống Duterte đang hi vọng trong chuyến thăm hai ngày tới Philippines, Chủ tịch Trung Quốc sẽ đưa ra các hướng thực hiện chi tiết hơn cam kết của Bắc Kinh 2 năm về trước.
Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno tuần trước cho rằng việc đình trệ đầu tư có thể do Trung Quốc chưa quen với quá trình đấu thầu ở Philippines, nhưng không giấu mong muốn mọi thứ đẩy nhanh tiến độ. “Chuyến thăm cấp nhà nước của lãnh đạo Trung Quốc sẽ đặt áp lực lên đội ngũ ở Bắc Kinh” – ông nói.
Tờ Channel New Asia gọi Philippines là một "đối tác trên trời rơi xuống" với Trung Quốc. Bởi ở khu vực Đông Nam Á, Philippines được biết đến là một đồng minh thân cận của Mỹ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi ông Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Không chỉ công khai chỉ trích cựu Tổng thống Obama với những từ ngữ nặng nề, ông còn tỏ ra lạnh nhạt với lời mời thăm Washington của Tổng thống Trump. Động thái của ông Duterte khiến mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines rạn nứt nghiêm trọng sau nhiều thập niên.
Tổng thống Duterte không dưới một lần khẳng định sự hỗ trợ về mặt tài chính của Bắc Kinh là lý do chính để Manila xoay trục khỏi Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, trong khi Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, khi nói đến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Trung Quốc vẫn chưa thể sánh ngang với Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Hàn Quốc và Singapore.
Tuy vậy, lựa chọn thời điểm đến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình được giới quan sát đánh giá là "nước cờ cao tay", trong bối cảnh Mỹ-Trung công khai đối đầu, tranh giành ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực ở Đông Nam Á. Một mối quan hệ hòa hảo với Phillippines cùng các hợp đồng kinh tế hào phóng với Manila - đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, là câu trả lời tốt nhất cho lời cảnh báo của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence "các nước nên dè chừng trước chính sách tiếp cận ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc và nên xem đầu tư tài chính của Mỹ là một sự lựa chọn tốt hơn".
Bình luận