• Zalo

Tội phạm xâm hại tình dục: Không áp dụng biện pháp hoà giải

Pháp luậtThứ Sáu, 05/05/2017 15:35:00 +07:00Google News

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban chính sách pháp luật Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội.

Sáng 5/5, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015.

Cơ bản đồng tình với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự năm 2015, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ để xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung nội dung mới, liên quan đến chính sách hình sự mà chưa được Quốc hội khóa XIII xem xét thông qua và chính sách hình sự chưa được thực thi trong cuộc sống.

Lấy ví dụ về việc bổ sung tội kinh doanh đa cấp trái phép, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất không nên thêm tội mới vào Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung lần này vì thời gian qua, việc kinh doanh đa cấp trái phép đã xảy ra gây thiệt hại cho rất nhiều người nhưng những kinh doanh trái phép này đều có thể xử lý bằng hình sự như tội lừa đảo.

Hinh anh Sua doi Bo Luat Hinh su nam 2015: Tranh lot toi pham xam hai tinh duc 3

 Giáo sư Tiến sỹ Trần Ngọc Đường. (Ảnh: VOV)

Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường phân tích: Muốn đưa một tội mới vào Bộ luật đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn, phải đánh giá tác động của chính sách hình sự này theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kinh doanh đa cấp là một hình thức kinh doanh mới ở nước ta, cũng giống như các hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế thị trường, đều có thể có hình thành kinh doanh trái phép. Vì vậy, chỉ hình sự hóa hành vi kinh doanh đa cấp trái phép là chưa hợp lý.

Nêu quan điểm không nên bỏ tội kinh doanh trái phép ra khỏi Bộ luật Hình sự, ông Đinh Thế Hưng, Viện Nhà nước và Pháp luật - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chỉ rõ: Trong Bộ luật Hình sự 1999, tội kinh doanh trái phép được quy định tại Điều 159.

Theo ý chí của người lập pháp, tội này xâm phạm hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh, cụ thể là hoạt động đăng ký kinh doanh. Thể hiện ở hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với đăng ký kinh doanh, kinh doanh không có giấy phép kinh doanh đối với các trường hợp phải có giấy phép và gây hậu quả nghiêm trọng. Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lại không tội phạm hóa hành vi kinh doanh trái phép nữa.

Ông Hưng đề nghị không nên loại bỏ tội kinh doanh trái phép khỏi Bộ luật bởi, ở bất cứ đâu, Nhà nước đều phải quản lý hoạt động của doanh nghiệp bằng hoạt động đăng ký kinh doanh. Từ đó, Nhà nước mới quản lý được việc sử dụng lao động, ngành nghề kinh doanh và đặc biệt là hoạt động thu thuế. Không đăng ký kinh doanh thì Nhà nước không kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đương nhiên không đăng ký kinh doanh sẽ xâm phạm trật tự quản lý. 

Bên cạnh đó, một doanh nghiệp tự ý hoạt động không đăng ký kinh doanh chắc chắn sẽ trốn thuế. Trốn thuế bị coi là tội phạm còn không đăng ký kinh doanh đồng thời với trốn thuế lại bị xử lý hình sự là điều bất hợp lý. Bên cạnh đó, rà soát dự thảo cho thấy dấu hiệu: không có đăng ký kinh doanh vẫn tồn tại như là tình tiết tăng nặng của một số tội, như: tội vi phạm quy định trong hoạt động ngân hàng, tội kinh doanh đa cấp trái phép, tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông... Chính vì vậy, việc quy định tội kinh doanh trái phép trong Bộ luật Hình sự là vẫn cần thiết.

Tuy nhiên, dự thảo cần lựa chọn những lĩnh vực kinh doanh đặc thù như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ pháp lý, đòi nợ thuê... để quy định cấu thành của tội đăng ký kinh doanh và cụ thể hoá, thu hẹp hành vi này ở các hành vi: Kinh doanh ngành nghề mà nhà nước cấm kinh doanh; kinh doanh không có giấy phép, kinh doanh khi đã bị đình chỉ kinh doanh. Đặc biệt là quy định dấu hiệu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mới xử lý hình sự - ông Hưng kiến nghị.

Video: Lời kể của bé gái bị cha ruột và ông nội cưỡng bức gây bức xúc

Tránh bỏ lọt tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em

Góp ý về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi đối với tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (khoản 2 Điều 12), Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường bày tỏ đồng tình với việc xử lý hình sự đối với trẻ em từ 14 đến 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Hinh anh Sua doi Bo Luat Hinh su nam 2015: Tranh lot toi pham xam hai tinh duc

 Ảnh minh họa.

Theo ông Đường mặc dù Bộ luật Hình sự 2015 đối với 3 tội cố ý gây thương tích, tội hiếp dâm, tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản trẻ vị thành niên từ đủ 14 - 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả về tội phạm ít nghiêm trọng để đáp ứng đòi hỏi đấu tranh phòng chống tội phạm với 3 loại này.

Tuy nhiên, để đấu tranh phòng, chống tội phạm đối với trẻ em nói chung phải sử dụng tổng hợp nhiều biện pháp từ giáo dục, quản lý, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội chứ không nên tuyệt đối hóa các biện pháp hình sự. Sớm bôi đen lý lịch tư pháp của lứa tuổi 14 - 16 các em khó có điều kiện để phát triển.

Việc quy định càng chi tiết, càng cụ thể minh bạch định lượng rõ ràng nhất là đối với luật Hình sự - Luật có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân về các vấn đề rất thiết thân như danh dự, nhân phẩm tài sản và cả tính mạng con người. Phải lượng hóa từ định tính “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn đặc biệt lớn” sang định lượng cụ thể - Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội nêu rõ: Bộ Luật Hình sự 2015, phải cụ thể hóa, điều chỉnh một số quan hệ xã hội phát sinh để đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Đối với nhóm các tội về xâm hại tình dục Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, hiện tại Bộ luật Hình sự 2015 đang mở rộng hành vi phạm tội về các nhóm tội này nhưng chế tài vẫn giữ nguyên khung hình phạt, là không phù hợp.

Tội hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi thực tế hiện nay đang xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhiều mối quan hệ gia đình, xã hội. Tuy vậy, Bộ luật không thể quy định chi tiết sẽ dẫn đến bỏ sót hành vi xâm hại cần trừng trị. Bên cạnh đó, hiện nay tội phạm ấu dâm, tội dâm ô, đồng tính, chưa được quy định trong luật, cần bổ sung để luật theo kịp thực tiễn xã hội.

Chỉ rõ thực tế hiện nay các tội phạm xâm phạm tình dục phụ nữ, nhất là xâm hại tình dục trẻ em gái đang có xu hướng gia tăng và đáng báo động, bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban chính sách pháp luật Trung ương Hôi Phụ nữ Việt Nam dẫn chứng: Theo số liệu của Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an), năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.248 vụ xâm hại tình dục/1641 vụ xâm hại trẻ em.

Thực tế cho thấy, các vụ xâm hại tình dục trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, phần lớn dư luận xã hội hiện nay vẫn cho rằng xâm hại tình dục là vấn đề nhạy cảm, nhiều gia đình nạn nhân vì giữ gìn danh dự, tương lai cho con hoặc bị đe dọa nên không tố giác tội phạm hoặc tố giác rồi lại thương lượng hòa giải rút đơn kiện. Trong trường hợp đó, người thực hiện hành vi phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đặc thù của loại tội phạm này thường diễn ra nhiều lần, với nhiều người nếu không xử lý kịp thời hoặc không được xử lý thì đối tượng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, đề nghị không áp dụng biện pháp hòa giải, thương lượng đối với các tội phạm xâm hại tình dục để tránh bỏ lọt tội phạm gây bức xúc cho xã hội - bà Nguyễn Thanh Cầm đề nghị.

 Xử phạt nặng các hành vi liên quan đến quy định về an toàn thực phẩm

Vấn đề liên quan đến tội vi phạm về các quy định về an toàn thực phẩm cũng được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trương Thị Hồng Hà – Ban Cải cách tư pháp Trung ương đề nghị cần thiết phải sửa đổi Điều 137 tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Hinh anh Sua doi Bo Luat Hinh su nam 2015: Tranh lot toi pham xam hai tinh duc

(Ảnh: Báo Bắc Giang) 

Theo bà Hà, an toàn thực phẩm là vấn đề của toàn xã hội, hành vi sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong sản xuất, chế biến thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng là hành vi xâm phạm trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của toàn xã hội. Bộ Luật Hình sự đã có quy định tại Điều 317 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát hiện tội phạm kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh.

Loại tội phạm này phải quy định hình phạt nghiêm khắc nhất, song Điều 317 lại chưa đưa ra những biện pháp xác định trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc, hình phạt cao nhất là 20 năm tù còn được cho là chưa thỏa đáng, chưa tương tương xứng với hậu quả.

Việc quy định về hậu quả sẽ dẫn đến khó chứng minh trong quá trình giải quyết vụ án vì hậu quả của loại tội phạm này không thể phát hiện ngay được mà sau 5 - 10 năm mới phát sinh, hơn nữa là các loại bệnh nặng. Đây là vấn đề được đặt ra đòi hỏi quá trình sửa đổi bổ sung luật 2015 phải quan tâm - bà Hà nêu ý kiến.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng phản biện xã hội về lồng ghép giới, các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; trách nhiệm hình sự pháp nhân; tội lợi dụng, chức vụ, quyền hạn giam, giữ người trái pháp luật; tội không tố giác tội phạm của luật sư.

Video: "Yêu râu xanh" 67 tuổi tự hào được làm bố

 

(Nguồn: Tin tức TTXVN)
Bình luận
vtcnews.vn