Trước áp lực của Liên Xô và những nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đặc biệt là trước quyết tâm bảo vệ từng tấc đất Tổ quốc của quân và dân Việt Nam, cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc đã phải từ bỏ ý đồ xâm lược.
Ngày 5/3, Việt Nam tuyên bố tổng động viên toàn lực để chống lại cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc. Động thái cương quyết và cứng rắn này đã khiến nhà cầm quyền Bắc Kinh không thể không lo ngại.
Ngay hôm sau, 6/3, lệnh rút quân đã được bí mật phổ biến đến các cấp chỉ huy của đội quân đang tham chiến.
Kế hoạch lui binh của Trung Quốc được thực hiện trong 9 ngày, từ sáng ngày 7 đến cuối ngày 15/3. Để bảo vệ các toán quân đang trên đường rút lui, phía Trung Quốc điên cuồng nã pháo sang trận địa quân Việt Nam, không cho truy kích.
Phía Việt Nam cũng đáp trả bằng những loạt đạn pháo bắn đuổi theo đội hình binh lính Trung Quốc đang tháo chạy.
Trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã hèn hạ san bằng những thành phố và các thị trấn vùng biên mà chúng chiếm được. Hành động này đã bị thế giới lên án mạnh mẽ.
Một ổ đại liên Trung Quốc |
Trên đường tháo chạy, chúng cũng dùng mìn phá sập cầu cống và các cơ sở sản xuất công nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt thâm hiểm là cài mìn la liệt để chặn đường truy kích. Lượng mìn này đã để lại hậu quả lâu dài cho người dân địa phương – hàng chục năm sau vẫn còn có người trở thành nạn nhân của mìn Trung Quốc.
Ngày 16/3/1979, quân Trung Quốc rút hoàn toàn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Nhà cầm quyền Bắc Kinh tuyên bố với thế giới là đã hoàn tất việc “dạy cho Việt Nam một bài học”.
Quả là với hành động chiến tranh xâm lược, phía Trung Quốc đã gây cho Việt Nam nhiều tổn thất, nhưng bài học mà người Việt Nam rút ra là cần phải luôn luôn luôn cảnh giác với gã láng giềng khổng lồ phương Bắc và người Trung Quốc cũng nên rút ra bài học từ những sự kiện Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa… để chớ bao giờ đụng đến Việt Nam; mọi ý đồ xâm lấn Việt Nam cuối cùng đều chuốc lấy thất bại mà thôi.
Theo đánh giá của cả hai phía, trong cuộc chiến biên giới Việt – Trung kéo dài chỉ trong 1 tháng, phía Trung Quốc tổn thất 62.500 sinh mạng binh sĩ, 280 xe tăng, 115 khẩu pháo các loại và 270 xe cơ giới chiến đấu.
Theo đánh giá của giới quan sát quốc tế, cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979 chưa phải là một cuộc chiến tranh tổng lực (dĩ nhiên, cuộc xung đột vũ trang nào cũng đáng lên án, và trong trường hợp này, Trung Quốc là phía gây chiến nên đã bị lên án mạnh mẽ).
Một trong những ý đồ nham hiểm của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong cuộc chiến này là buộc Việt Nam phải điều quân từ vùng biên giới Tây Nam lên vùng biên giới phía Bắc để làm giảm áp lực lên quân Khmer Đỏ ở Campuchia.
Cũng cần nhìn nhận vai trò của Liên Xô trong thắng lợi của Việt Nam ở cuộc chiến lần này. Không chỉ “tấn công” Trung Quốc trên mặt trận chính trị, ngoại giao (như lời tuyên bố cứng rắn đưa ra quốc tế hay thái độ cương quyết trong các cuộc họp tại Hội đồng bảo an LHQ), Liên Xô còn biểu dương sức mạnh quân sự qua các cuộc tập trận quy mô lớn để nhà cầm quyền Bắc Kinh hiểu rằng nếu Liên Xô can thiệp vũ trang nhằm bảo vệ Việt Nam thì đó sẽ là một thảm họa cho phía Trung Quốc.
Cuộc chiến tranh đã kết thúc, nhưng những xung đột nhỏ lẻ trên biên giới Việt Trung vẫn diễn ra suốt hàng chục năm sau do những bất đồng về chủ quyền lãnh thổ.
Dư luận quốc tế đánh giá rất cao ý chí, tinh thần của quân và dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh này. Việt Nam đã giữ vững truyền thống chống ngoại xâm phương Bắc và truyền thống quật cường bảo vệ chủ quyền đất nước, đã giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ xảy ra ngay trước đó.
Nguồn: Petrotimes
Bình luận