• Zalo

Tòa Việt Nam đủ thẩm quyền xử lý vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép

Thế giớiThứ Hai, 12/05/2014 02:31:00 +07:00Google News

(VTC News) - Luật sư nói nên mở phiên tòa nội địa xét xử Trung Quốc vì tội danh xâm chiếm trái phép vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam.

(VTC News) - Luật sư nói nên mở phiên tòa nội địa xét xử Trung Quốc vì tội danh xâm chiếm trái phép vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam.


Luật sư Lê Thanh Sơn, thành viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam trả lời phỏng vấn VTC News về những vấn đề pháp lý xung quanh vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam. Ông Sơn nói: "Tòa Việt Nam đủ thẩm quyền xử lý vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép".

- “Nếu khởi kiện, chúng ta chắc chắn sẽ thắng Trung Quốc”, ông đánh giá thế nào về quan điểm này của cựu Trưởng ban biên giới Chính phủ, tiến sĩ Trần Công Trục?
Luật sư Lê Thanh Sơn nói Việt Nam nên mở phiên tòa nội địa xét xử Trung Quốc 
Tôi nghĩ cơ hội khởi kiện đã diễn ra từ lâu rồi, không phải bây giờ mới là thời điểm khởi kiện. Cơ hội để mình khởi kiện là khi Philippines mời Việt Nam mình cũng tham gia khởi kiện với họ. 
Nếu như Việt Nam mình cùng khởi kiện với họ thời điểm đó thì sẽ không bao giờ có việc Trung Quốc kéo giàn khoan 981 vào, tôi dám chắc điều đó.
Đó là vì Trung Quốc phải đối mặt với việc trả lời cả hai quốc gia về việc diễn giải Công ước quốc tế về luật biển 1982 như thế nào.
Việc thứ hai là họ phải diễn giải việc họ cố tình diễn giải sai. Trong Công ước quốc tế về luật biển có quy định thế nào là đảo.
Để có vùng đảo, để có lãnh hải  thì phải có người dân sống trên biển, có hoạt động kinh tế và tự chủ, và phải nổi lên trên mặt nước khi nước thủy triều thấp nhất.
Trong đó quần đảo Hoàng Sa chỉ có đảo Phú Lâm, với diện tích khoảng 1,6km2 thôi, dân hoàn toàn không sống ở đó.
Họ cố gắng diễn giải đấy là đảo và khi đã là đảo thì được coi như là đã có vùng lãnh hải 12 hải lý.
Họ đánh tráo khái niệm và gây sự nhầm lẫn. Mục tiêu của họ là đang cố gắng kéo thành một cụm, một quốc gia đảo như Indonesia. Nếu họ làm được như vậy tức là họ có chủ quyền ở phần đó, tức là họ có vùng lãnh hải 12 hải lý, dẫn đến vùng đặc quyền 200 hải lý, đương nhiên từ đó sẽ có vùng chồng lấn với các vùng khác.
- Vậy theo ông, chúng ta nên khởi kiện điều gì?
Như tôi đã nói, Trung Quốc đánh tráo khái niệm và cố ý gây nhiễu thông tin, họ coi Trường Sa, Hoàng Sa là của họ, thế nên mới có việc đường lưỡi bò.
Việc khởi kiện của chúng ta không phải giải quyết tranh chấp, đây không phải là tranh chấp. Mà chúng ta phải hiểu đương nhiên chỗ này là của ta, theo quy định của công ước luật biển 1982.
- Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các vi phạm của Trung Quốc?
Rõ ràng việc kéo giàn khoan vào cách đảo Lý Sơn 129 hải lý là hành vi xâm chiếm vào vùng lãnh hải và thềm lục địa Việt Nam, nằm trong 200 hải lý.
Trung Quốc là thành viên ký vào Công ước 1982, họ phải gương mẫu vì họ là một trong năm quốc gia thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Cách ứng xử của họ là sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Họ vi phạm hiến chương Liên hợp quốc về ứng xử giữa các quốc gia, vi phạm công ước luật biển 1982, vi phạm cả nguyên tắc họ đã ký với các nước ASEAN.
Trong các nguyên tắc ứng xử đó, điểm 4 nói rằng không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, điểm 5 là không làm gia tăng các tranh chấp, thế nhưng Trung Quốc đang làm ngược lại điều chính họ đã nói.  
 Trung Quốc sử dụng vũ lực trên Biển Đông, trong ảnh là tàu công vụ Trung Quốc với tháp súng đã tháo bạt, đâm thẳng vào tàu Việt Nam
Việc Việt Nam khởi kiện chung với Philippines lúc đó là quá hợp lý. Chúng tôi đã có ý kiến lên các cấp là chúng ta nên tham gia kiện cùng Philippines thời điểm đó.

Philippines kiện rất khôn ngoan, né tất cả các điểm yếu của họ. Họ không kiện tranh chấp, mà họ kiện Trung Quốc hiểu sai và áp dụng sai quy định của công ước luật biển 1982. Cho nên áp dụng sai, hiểu sai, giải thích sai dẫn đến áp đặt đường lưỡi bò.
Philippines yêu cầu Trung Quốc giải thích việc đó. Trung Quốc sử dụng điều 298, cho phép một quốc gia có thẩm quyền phủ quyết tòa án quốc tế.
Nhưng trong trường hợp điều 298 lại không liên quan đến chỗ này, vì điều 298 chỉ áp dụng cho giải quyết tranh chấp. Cho nên Trung Quốc không thể vận dụng điều 298 ở đây, vì đây không phải giải quyết tranh chấp, mà xét xử về vấn đề giải thích.
Trung Quốc đương nhiên phải đứng ra giải thích, nhưng họ quá yếu về cơ sở pháp lý nên họ từ chối. Sắp tới diễn biến phiên toàn có thể kéo dài nhưng chúng tôi tin tưởng Philippines sẽ thắng.
- Phải chăng ông cho rằng hiện tại chúng ta vẫn nên khởi kiện Trung Quốc?
Bây giờ, vào thời điểm hiện nay, nếu chúng ta không làm quyết liệt thì Trung Quốc sẽ thừa cơ lấn tới.
Chúng ta đã có phản ứng mạnh mẽ từ phía chính phủ Việt Nam, từ phía các cơ quan chức năng, kiểm ngư, cảnh sát biển đang giám sát hoạt động ngoài biển.
Video: Diễn biến trên Biển Đông hôm 11/5
Nhưng với việc Trung Quốc xua cả tàu chiến, hàng chục tàu hộ tống, đe dọa sử dụng vũ lực leo thang, nếu chúng ta cứ đơn phương giải quyết như thế này thì không ổn.
Cho nên cuối cùng cũng phải khởi kiện. Chúng tôi cho rằng trong bang giao quốc tế, việc một quốc gia kiện một quốc gia khác không ảnh hưởng đến quan hệ hai quốc gia.
Chúng ta từng thấy Mỹ bị nhiều nước kiện, Trung Quốc bị Mỹ kiện nhưng không hề ảnh hưởng hoạt động bang giao.
- Từ vụ kiện của Philippines, theo luật sư, chúng ta có thể học hỏi được điều gì?
Ta học Philippines ở cách kiện của họ. Chúng ta hoàn toàn có thể nói với tòa rằng đây là vùng biển của của chúng tôi, đặc quyền kinh tế của chúng tôi nhưng Trung Quốc lại cho rằng là của họ.
Vậy đề nghị Liên hợp quốc, tòa án quốc tế giải thích rõ cho chúng tôi nội dung này. Trung Quốc không có lý do gì để không tham gia. Tôi hiểu rằng họ sẽ tiếp tục áp dụng luật 298 để từ chối. Nhưng nếu như họ áp dụng điều đó thì trên công luận ta đã thắng rồi, vì đó là họ không dám tham gia, đó là thách thức với họ.
- Theo luật sư, Trung Quốc sẽ áp dụng ‘lá bài’ nào nếu bị chúng ta kiện?
Trung Quốc chắc chắn sẽ lu loa rằng các nước ASEAN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Nhưng đây không phải tranh chấp. Đây là hành vi xâm chiếm. Bắc Kinh lâu nay luôn biến cái không tranh chấp thành tranh chấp rồi dần dần lấn tới.
- Trên quan điểm của một luật gia, ông đánh giá thế nào khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói đây là nơi cách Hoàng Sa 4 hải lý nên Bắc Kinh có quyền với vùng biển này?
 

Trong bang giao quốc tế, việc một quốc gia kiện một quốc gia khác không ảnh hưởng đến quan hệ hai quốc gia.
Luật sư Lê Thanh Sơn
 
Trung Quốc lâu nay luôn theo kiểu đánh tráo khái niệm. Nhưng chúng ta phải lưu ý, vùng đặc quyền kinh tế là vùng tự do hàng hải, các nước được luân chuyển lưu thông hàng hóa tàu bè qua vùng đó, nhưng không được phép khai thác tài nguyên, đánh bắt cá, thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền quốc gia đó.
Trung Quốc đánh tráo khái niệm ở chỗ Hoàng Sa bị nước này dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974.
Hiện nay, họ đang cấm tàu bè qua lại đó trong phạm vi 3 hải lý, dần dần mở thành 6 hải lý, 10 hải lý. Bắc Kinh sẽ mở rộng vùng cấm, sau một thời gian họ sẽ tạo ra vùng cấm bay.
Cứ cái kiểu lu loa và hung hãn này, biết đâu một ngày không xa có thể giàn khoan Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam chỉ 20 hải lý.
- Có nhiều ý kiến nói về việc Việt Nam chưa thu thập nhiều các cơ sở pháp lý để khởi kiện Trung Quốc. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Chúng ta có quá đầy đủ cơ sở pháp lý, chứng cứ. Chúng ta đã tập hợp từ nhiều năm nay. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách, ý thức rõ rệt trong hành động để bảo vệ chủ quyền.
Chúng ta có hướng sử dụng luật pháp quốc tế như một công cụ hữu hiệu để giải quyết và đã giao cho các ngành các cấp khác nhau để thu nhập chứng cứ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Ảnh VGP/Nhật Bắc 

Từ năm 2002 đến 2014 chúng ta tập hợp, thậm chí có cả Viện bảo tàng, có luật sư trong và ngoài nước đóng góp từ liệu cho chúng ta.
Ngược lại chúng ta có cơ sở là các đời vua trước đây của Trung Quốc. Các bản đồ trước đây của Trung Quốc đều không hề có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trước đời Thanh cũng có bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, cách đây 300 năm, thời Nguyễn đã có đội quân ra đồn trú Hoàng Sa. Những bằng chứng lịch sử chúng ta có nhiều lắm.
- Hôm 11/5, có luật sư nói rằng Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ngay ở nước ta, bằng một phiên tòa trong nước, theo ông điều này có khả thi?
 

Giặc đã đến nhà, nếu lúc này chúng ta không kiện thì còn đợi đến lúc nào? Tôi cho rằng nếu khởi kiện, ít nhất có đến 90% khả năng Việt Nam sẽ thắng.
Luật sư, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển Hoàng Ngọc Giao
 
Chúng tôi đang đề xuất một vụ kiện hoàn toàn trong nước. Chúng tôi kiện và tòa án Việt Nam đủ thẩm quyền giải quyết vụ này.
Nhân cơ hội này để chúng ta thu thập tài liệu về một mối. Chúng ta có 3 khả năng kiện như sau: Thứ nhất, Tập đoàn dầu khí Việt Nam kiện tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc.
Thứ hai là Tổng công ty dầu khí Việt Nam kiện Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc. Thứ ba là Hội nghề cá Việt Nam kiện Tổng công ty hải dương Trung Quốc.  
Cả 3 vụ kiện đó đều có thể thực hiện ở Việt Nam và chính thẩm phán Việt Nam sẽ là đơn vị xét xử. Nếu chưa cần thiết chính phủ kiện thì có thể kiện như vậy.
Kiện như vậy có nhiều cái hay, khẳng định vị thế của chúng ta. Hơn nữa, theo luật của chúng ta đây là vấn đề dân sự bình thường.
Ví dụ việc giàn khoan kéo đến vùng biển chúng ta cản trở ngư dân hoạt động tại vùng biển Việt Nam một cách hợp pháp, như vậy là kiện được theo luật Việt Nam rồi.
Video: Toàn cảnh Trung Quốc xâm lấn vùng biển đặc quyền Việt Nam
Còn việc họ tham gia xử hay không không quan trọng. Cái việc thực thi bản án chưa đề cập đến. Điều quan trọng là, qua việc kiện chúng ta tập hợp tư liệu và cơ sở pháp lý, đó là bước thực tập đầu tiên để chúng ta hoàn toàn chuẩn bị kiện cấp chính phủ sau này.
- Từng có tiền lệ quốc tế về vấn đề này chưa, thưa luật sư?
Chúng ta có thể xem lại vụ án vừa rồi tòa Tây Ban Nha triệu tập 4 cựu nguyên thủ Trung Quốc. Họ triệu tập lần 3 không đến họ xử vắng mặt, phù hợp quy định pháp luật nước họ.
Hay việc tòa Tây Ban Nha xử cựu độc tài Chile Pinoche vắng mặt, sau đó mấy năm Anh vẫn bắt Pinoche theo bản án của tòa Tây Ban Nha vì Anh và Tây Ban Nha có hợp tác tư pháp. Tôi nghĩ đây là điều rất hay để chúng ta học hỏi.
 
Quyền tài phán phổ quát

Quyền tài phán phổ quát cho phép tòa án một quốc gia truy tố, xét xử thủ phạm mà không đòi hỏi quốc gia đó phải có mối liên hệ với nơi xảy ra tội phạm, quốc tịch của kẻ phạm tội, quốc tịch của nạn nhân hoặc bất cứ mối liên hệ nào với lợi ích của quốc gia đó. Thông thường việc sử dụng quyền tài phán phổ quát chỉ áp dụng cho một số hành vi tàn ác như tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tra tấn, hành quyết ngoài vòng pháp luật...

Trong số những nước đã chuyển hóa các điều ước quốc tế vào nội luật, Bỉ và Tây Ban Nha là hai quốc gia đi đầu.

Các nước khác như Anh, Phần Lan, Hà Lan, Úc, Thụy Sĩ, Mỹ, Đức... cũng áp dụng quyền tài phán phổ quát. Tuy nhiên, mức độ áp dụng quyền này còn tùy thuộc từng quốc gia.

Bộ luật hình sự VN quy định người nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự VN trong những trường hợp được quy định trong các điều ước quốc tế mà VN ký kết hoặc tham gia. Trong số các hiệp ước trên, quyền tài phán phổ quát được thể hiện rõ nhất đối với tội cướp biển.


Văn Việt
Bình luận
vtcnews.vn