Theo Bloomberg ngày 2/6, một tháng trước, một tàu khu trục tên lửa của Mỹ chạy vào vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên Biển Đông. Điều này khiến cho giới Bắc Kinh vô cùng tức tối, khó chịu.
Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Mỹ dùng sức mạnh quân sự để "thách thức trật tự biển mới". Bộ Quốc phòng Trung Quốc dọa sẽ duy trì hiện diện ở khu vực này theo "nhu cầu".
Theo bài báo, sau 3 năm gián đoạn, tháng 10/2015, Mỹ tái triển khai hành động tự do đi lại ở Biển Đông, cho thấy, thế giới bắt đầu tập trung chú ý tới tuyến đường hàng hải có kim ngạch thương mại nhộn nhịp thế giới này.
Đối đầu giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ở vùng biển này do Bắc Kinh gây ra đến nay thực sự đã trở thành cuộc đối đầu giữa một bên là Mỹ - một quốc gia thống trị mạng lưới an ninh vài chục năm ở khu vực này, với một bên là Trung Quốc - quốc gia đang trỗi dậy, muốn chiếm đoạt lấy quyền thống trị ở khu vực này.
Chu Kỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia, Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc cho rằng, vấn đề Biển Đông đã thay thế vấn đề thương mại và tiền tệ trước đây, hiện đã trở thành vấn đề mới và chủ yếu của quan hệ Trung-Mỹ.
Do Mỹ đã tăng cường quan hệ với các đồng minh cũ và đã xây dựng các đồng minh, đối tác mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hơn nữa phần lớn các nước đồng minh này đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, vì vậy, Bắc Kinh đã cảm nhận thấy, sức ép an ninh ở khu vực xung quanh đang gia tăng.
Cùng với các mâu thuẫn không ngừng gay gắt trong những năm qua, Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan chuẩn bị tiến hành phán quyết đối với vụ kiện Biển Đông của Philippines. Điều này cũng sẽ tác động lớn đến tranh chấp.
Một phán quyết bất lợi cho Bắc Kinh sẽ bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp (đường chín đoạn/đường lưỡi bò) do Bắc Kinh áp đặt - đòi tới hơn 80% diện tích Biển Đông, bất chấp chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các nước ven Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Tháng 5/2016, các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã họp tại Nhật Bản và đã bày tỏ quan ngại đối với tình hình bất ổn ở Biển Đông. Tuyên bố của G7 mặc dù không điểm danh Trung Quốc, nhưng thực sự là một tuyên bố đầy sức nặng, trực tiếp phê phán Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã vô cùng vất vả trong triển khai các thủ đoạn lôi kéo quốc tế và tuyên truyền xuyên tạc quy mô lớn nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Bắc Kinh thỉnh thoảng lại lên tiếng khoe có thêm sự ủng hộ của các nước đối với lập trường của họ. Sau một thời gian, Bắc Kinh khoe đã nhận được sự ủng hộ của khoảng 40 nước đối với lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông.
Nhưng, Bắc Kinh rõ ràng đã bị bẽ mặt thực sự, vì có quốc gia, có quan chức các nước đã vạch trần sự dối trá của họ, trong đó có quan chức Campuchia và Mỹ.
Học giả Bill Hayton cho rằng, Trung Quốc sẽ chịu thất bại trong vụ kiện Biển Đông của Philippines. Điều này sẽ làm cho họ mất hết thể diện, vì vậy, Trung Quốc đã tìm mọi thủ đoạn, cố gắng để chứng minh rằng, lập trường của Trung Quốc nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Ngay từ năm 2013, Mỹ đã can thiệp vào vấn đề Biển Đông, nguyên nhân là Trung Quốc bắt đầu lấn biển, xây đảo bất hợp pháp ở 7 thực thể (đá ngầm) thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), nằm ở phía nam Biển Đông.
Quan chức Mỹ đã xác nhận mưu đồ của Trung Quốc là thực hiện bành trướng kiểu tằm ăn dâu, tức là lặng lẽ và làm dần dần từng bước, cuối cùng đã tạo ra sự “thay đổi về chất” – diện mạo Biển Đông hiện nay đã thay đổi hoàn toàn với các bước đi bành trướng lãnh thổ và bành trướng quân sự mấy năm qua của Bắc Kinh.
Thủ đoạn bành trướng dần dần này đã không gây phản ứng “quá mức” (gây ra xung đột vũ trang) từ cộng đồng quốc tế, nhưng cuối cùng lại giúp Bắc Kinh đạt được mưu đồ đen tối. Mục tiêu cuối cùng của họ là thiết lập được các căn cứ quân sự trên Biển Đông, ngăn chặn sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở khu vực.
Video: Đưa giàn khoan vào biển Đông, Trung Quốc định giăng bẫy pháp lý
Trung Quốc tuyên bố họ không cản trợ tự do thương mại trên biển, nhưng, năm 2012, Trung Quốc đã phong tỏa tuyến đường hàng hải từ Philippines đến bãi cạn Scarborough (chiếm luôn bãi cạn này từ Philippines và chặn đường không cho ngư dân Philippines làm ăn như trước), đồng thời đã hạn chế nhập khẩu chuối từ Philippines.
Năm 2010, do tình hình căng thẳng của tranh chấp đảo tại vùng biển Hoa Đông, Trung Quốc đã cấm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản.
Trung Quốc ngày càng tích cực sử dụng các thủ đoạn và công cụ sức mạnh như cảnh sát biển (hải quân trá hình) và tàu cá (được vũ trang) để tìm cách thực hiện các âm mưu, thủ đoạn đen tối (áp đặt yêu sách "đường chín đoạn", bành trướng quân sự...) ở Biển Đông.
Bình luận