• Zalo

Tọa đàm trực tuyến: 'Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp'

Tin nhanh 24hThứ Ba, 17/08/2021 14:05:00 +07:00Google News
(VTC News) -

14h ngày 18/8, Báo điện tử VTC News tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp".

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia gồm ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Môi trường; Ông Trịnh Văn Tuyên - Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam; Ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược, chính sách TN-MT.

Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp" do Báo điện tử VTC News tổ chức sẽ giúp độc giả nhìn nhận về tầm quan trọng và giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp. Bởi xử lý rác thải đã và đang là một vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tọa đàm trực tuyến: 'Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp' - 1

Xử lý rác thải là vấn đề nóng ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong 10 năm qua (2011-2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Tính đến năm 2019, cả nước đã có hơn 335 khu công nghiệp và khu chế xuất, hình thành một hệ thống các khu công nghiệp phân bố ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Đăc biệt, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày...

Bên cạnh mặt tích cực, quá trình công nghiệp hóa cùng với sự bùng nổ các hoạt động thương mại, dịch vụ đã gây nên những tác động môi trường không nhỏ. Tình trạng ô nhiễm các môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở khu công nghiệp, các địa bàn tập trung đông dân cư.

Theo số liệu của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn thông thường phát sinh từ các hoạt động sản xuất công nghiệp ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm, riêng từ các khu công nghiệp (KCN) là khoảng 8,1 triệu tấn/năm.

Còn theo số liệu thống kê của Sở TN-MT TP.HCM, hàng năm, các nhà máy trong KCN, khu chế xuất tại TP.HCM thải ra gần 70.000 tấn chất thải rắn. Con số này tăng lên gấp 10 lần nếu tính cả các nhà máy ngoài khu Công nghiệp. Mỗi ngày thành phố thải ra trung bình 1.500 - 2.000 tấn chất thải công nghiệp và chất thải công nghiệp nguy hại cần phải xử lý.

Rác thải chỉ thực sự đem lại nguy cơ khi con người không quan tâm đến công tác quản lý, thu gom và xử lý. Nếu nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, và giúp họ làm quen với công nghệ xử lý rác một cách thân thiện thì ngược lại, rác thải sẽ là nguồn tài nguyên quý giá để tái sử dụng phục vụ con người.

Các nhà hoạch định chính sách, các bộ ngành, cơ quan chức năng, các nhà khoa học, các chuyên gia môi trường, các doanh nghiệp và người dân cùng thảo luận một cách thẳng thắn, nghiêm túc để tìm ra những giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp, bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, buổi tọa đàm còn giúp nâng cao nhận thức để mỗi doanh nghiệp và cộng đồng thấy rõ bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải công nghiệp không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi để tạo dựng môi trường sống của chúng ta được tốt hơn.

Thực tế việc xử lý và quản lý rác thải công nghiệp mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa thể ngang tầm với nhu cầu đòi hỏi. Hiện nay, lượng rác ở các khu đô thị được đưa đến bãi chôn lấp tập trung chỉ đạt khoảng 60-65%, lượng rác còn lại bị ném xuống ao hồ, sông ngòi, ném bên vệ đường. Còn ở khu vực nông thôn, rác thải hầu như không được thu gom và có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.

Rác thải công nghiệp là những loại chất thải độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nếu không được xử lý, mối nguy hại của rác thải công nghiệp đối với môi trường sẽ vô cùng lớn.

Theo các chuyên gia về môi trường, một số chất thải nguy hại (chất phóng xạ, dầu nhờn, phốt pho, thuốc trừ sâu hay cả chất thải y tế,…) nếu đem chôn lấp sẽ rất nguy hiểm cho con người. Thuốc trừ sâu nếu đem chôn xuống đất sẽ lan trong đất, ngấm vào mạch nước ngầm.

Tỷ lệ thu gom rác thải công nghiệp ở Việt Nam đang đạt khoảng 31%. Tình trạng xử lý, quản lý rác kém hiệu quả đã và đang tạo nên một làn sóng dư luận trong cộng đồng, đặt ra thách thức lớn đối với nhiều cấp, ngành, đặc biệt là ngành môi trường.

Do đó, bảo vệ môi trường sạch đẹp là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức nói riêng và mỗi quốc gia nói chung, khi Trái đất của chúng ta đang nóng lên gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn. Mỗi quốc gia và Việt Nam cần có những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa những tác động đến môi trường trong quá trình phát triển đất nước. 

Tọa đàm trực tuyến "Giải pháp giảm thiểu rác thải công nghiệp" nhận được sự đồng hành của đơn vị quảng cáo bạc: Tổng Công ty CP Rượu - Bia - NGK - Hà Nội; cùng các đơn vị quảng cáo truyền thông khác: Công ty Vạn Lợi, Công ty CP phát triển và đầu tư công nghệ cao Việt Nam…

Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn