Sáng 9/5, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương (Số 11 Hồng Quang, phường Quang Trung, TP Hải Dương), Hội khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp cùng Hội giáo dục lịch sử và Viện nghiên cứu sách & học liệu giáo dục tổ chức buổi tọa đàm khoa học "Tìm hiểu tư liệu của dòng họ Khúc trong công cuộc giải phóng, xây dựng đất nước".
Hội thảo nằm trong chương trình điền dã tìm hiểu về họ Khúc Việt Nam. Trước đó vào ngày 19/4, tại thôn Vĩnh Mộ (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học về họ Khúc lần thứ nhất.
Tham dự buổi tọa đàm có các giáo sư, tiến sỹ, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện Sử học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội Giáo dục Lịch sử - Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cùng đại diện gia tộc họ Khúc.
Trước khi bắt đầu buổi tọa đàm, đoàn tham quan bảo tàng tỉnh Hải Dương tìm hiểu về các vị anh hùng cùng công cuộc đấu tranh xây dựng tổ quốc của tỉnh. Trong đó nhấn mạnh đến công lao của các vị anh hùng như: Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… cùng những di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Hải Dương.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ - Chủ tịch hội Giáo dục lịch sử, Chủ trì buổi tọa đàm cho biết, buổi tọa đàm nhằm góp phần thu thập thông tin nhằm chuẩn bị cho buổi Hội thảo lịch sử họ Khúc diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội.
Đồng thời, đánh giá chính xác, đầy đủ hơn về lịch sử cũng như những đóng góp của dòng họ Khúc đối với đất nước, dân tộc trên cơ sở những tư liệu lịch sử được thu thập, sưu tầm thời gian qua, trong đó chú trọng đến công lao của Khúc Thiên Chúa - Khúc Thừa Dụ.
Buổi tọa đàm cũng nhấn mạnh, các chuyên gia cần nghiên cứu kỹ hơn nữa để khẳng định được vai trò của ông Khúc Thừa Dụ trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó các chuyên gia cho rằng vai trò lịch sử của tiết độ sứ Khúc Thừa Mỹ cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
PGS. TS Trần Thuận - Trường Đại học KHXH&NV TP HCM cũng đã đưa ra những khó khăn trong việc nghiên cứu lịch sử họ Khúc.
"Hiện nay khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu tư liệu đó là tư liệu văn bản rất ít, khan hiếm, chỉ có thể dựa vào tư liệu khảo cổ học và tư liệu văn hóa dân gian để làm sáng tỏ hơn vai trò của họ Khúc trong lịch sử dân tộc" - Ông Thuận chia sẻ.
Các chuyên gia viết Quốc Sử cũng đưa ra những ý kiến riêng về đóng góp của ông Khúc Thừa Dụ đối với dấu mốc chấm dứt 1.000 năm đô hộ Bắc thuộc.
Theo đó, dấu mốc này thường gắn với sự kiện lịch sử Ngô Quyền chiến thắng quân Nam hán trên sông Bạch Đằng năm 938 tuy nhiên các chuyên gia đang nghiên cứu phương án kết hợp giữa sự nghiệp tự chủ chống xâm lược của Khúc Thừa Dụ và chiến thắng của Ngô Quyền.
Kết thúc buổi tọa đàm, đoàn dâng hương và tham quan đền thờ Khúc Thừa Dụ tại thôn Cúc Bồ (xã Kiến Quốc, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).Tại đây, các chuyên gia tìm hiểu thêm về sự liệu hiện có của họ Khúc Việt Nam.
Bình luận