• Zalo

Tình yêu bóng đá của người Việt đang đi sau Campuchia?

Thể thaoThứ Năm, 02/06/2016 08:14:00 +07:00Google News

Tình yêu bóng đá của người Việt đang nguội dần khi đội tuyển quốc gia thi đấu mà khán đài sân Mỹ Đình chỉ thưa thớt người đến xem.

Mỹ Đình từng được coi là "chảo lửa" của đội tuyển Việt Nam nhưng để thấy cảnh khán đài được phủ kín, hàng nghìn người đứng ngoài sân vì không mua nổi vé chợ đen như hồi U19 Đông Nam Á 2014, có lẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa.

sanmydinh

Một góc sân Mỹ Đình khi ĐT U19 Việt Nam thi đấu năm 2014 

Thực tế cho thấy ĐT Việt Nam đá AFF Cup 2014, vòng loại World Cup 2018, các trận đấu giao hữu quốc tế... không còn nhận được sự quan tâm của khán giả nữa. Ngay như trận đấu được coi là hấp dẫn giữa ĐT Việt Nam gặp một đội bóng mạnh như Syria vừa rồi, với đầy đủ sự có mặt của những ngôi sao U19 ngày nào như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn nhưng chỉ có khoảng 15 nghìn người đến sân theo dõi.

md

 Khán đài sân Mỹ Đình hôm ĐTVN đá giao hữu với Syria ngày 31/5

Chứng kiến cảnh khán giả đìu hiu trên khán đài tối 31/5, nhiều người không khỏi chạnh lòng nhìn sang bóng đá Campuchia.

Dù xếp kém hơn đội tuyển Việt Nam tới 38 bậc trên bảng xếp hạng, đội tuyển quốc gia Campuchia vẫn nhận được sự tin yêu đặc biệt từ người hâm mộ. Cụ thể, trong một trận đấu giao hữu với đối thủ được xếp vào một trong những đội bóng yếu nhất khu vực Đông Nam Á là Đông Timor hôm 30/5, khán đài sân vận động Quốc gia Olymipic ở thủ đô Phnôm Pênh đã không còn một chỗ trống.

Sân Olympic với sức chứa 50 nghìn chỗ ngồi đã kín hết. Chưa kể, ở bên ngoài sân, khoảng 20 nghìn khán giả đến muộn không mua được vé xem trận đấu này dù họ sẵn sàng bỏ ra 1 triệu riel (hơn 5 triệu tiền Việt Nam) để mua vé chợ đen.

svd

 SVĐ Olympic khi ĐT Campuchia đá giao hữu với Đông Timor hôm 30/5

Điều này cho thấy tình yêu bóng đá của Campuchia đang ngày càng lớn, và có lẽ đã vượt qua Việt Nam, nơi người hâm mộ luôn tự hào là có tình yêu bóng đá mãnh liệt bậc nhất thế giới.

Vậy lý do gì khiến người Việt Nam thờ ơ với bóng đá nước nhà đến vậy?

Vì bóng đá nước nhà thiếu ngôi sao? Vì đội tuyển quốc gia đá đâu thua đấy? Vì chất lượng V-League quá tồi, và VFF tổ chức giải đấu chuyên nghiệp nửa vời?

Dù với bất cứ lý do gì thì đây cũng là điều đáng suy ngẫm. Bóng đá là một môn thể thao. Trận đấu với 22 cầu thủ trên sân, nói ngắn gọn lại, giống một món hàng giải trí. Người hâm mộ VIệt Nam bỏ tiền để mua món hàng ấy. Nếu giá trị tinh thần mà nó mang lại quá thấp so với giá trị vật chất mà người hâm mộ bỏ ra, thì chẳng thể kêu gọi khán giả đến sân cổ vũ được.

Tương tự là V-League. Một món hàng được cho là miễn phí cũng chẳng thể hấp dẫn, thuyết phục khán giả bỏ ra 90 phút mỗi cuối tuần để xem một trận đấu. Vì thời gian là tiền bạc. Và sẽ chẳng còn nhiều người chọn bóng đá để giải trí khi mà cái họ được đáp trả nhạt nhòa, nghiệp dư, xấu xí.

31QM - DTVN vs SYRIA      09

Lứa Công Phượng là tương lai của bóng đá Việt Nam (Ảnh: Quang Minh)

Hôm qua, sau trận thắng 2-0 của tuyển Việt Nam trước Syria, VTC News đã đăng tải bài viết "Động cơ của tuyển Việt Nam là gì?" trong đó nêu quan điểm: "Động cơ của đội tuyển Việt Nam chính xác là đây, là trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi cá nhân luôn cố gắng chuyển hóa những gì tốt nhất của bản thân thành niềm vui cho tất cả người hâm mộ."

Hi vọng rằng, nếu đội tuyển Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung ra sân trên tất cả các mặt trận với động cơ trong sáng ấy, hi sinh nhiều như thế, nỗ lực chuyên nghiệp nhiều hơn nữa, sẽ nhanh thôi, ngọn lửa tình yêu trong lòng người hâm mộ Việt Nam sẽ lại bùng lên dữ dội như 1,2 thập kỷ trước.

Còn bây giờ, nhìn Campuchia, cao hơn là Thái Lan, mà chỉ biết chạnh lòng.

Lộc Bình
Bình luận
vtcnews.vn