• Zalo

Tình tiết mới vụ xe khách phát nổ trên QL1A

Thời sựThứ Năm, 20/02/2014 02:06:00 +07:00Google News

(VTC News) – Mặc dù chưa được cấp phép nhưng chiếc xe khách phát nổ trên QL1A vẫn ngang nhiên ra vào bến xe, phớt lờ các quy định về phòng chống cháy nổ.

Như VTC News đã thông tin, chiều 17/2, xe khách mang BKS 37B - 00348 do ông Nguyễn Văn Thuận (42 tuổi - trú ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển, đang lưu thông hướng Nam – Bắc trên QL1A đoạn xã Diễn Hồng (huyện Diễn Châu - Nghệ An) bất ngờ phát nổ. Sau đó, xe khách này mất lái đâm vào xe tải BS 37C-05124 do ông Lê Hữu Hoan điều khiển, lưu thông chiều ngược lại.
Vụ tai nạn nghiêm trọng đã khiến cho 2 người chết và hàng chục người bị thương. Theo lời anh Hồ Viết Châu (27 tuổi - Trú xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) nạn nhân đi trên chuyến xe khách, trước khi đâm vào xe tải thì đã nổ bình oxy. Điều này phù hợp với thông tin do cơ quan điều tra nhận định ngay sau khi khám nghiệm hiện trường.
“Qua mặt” Thanh tra và Cảnh sát giao thông?
Chiều 19/2, phóng viên đã có cuộc trao đổi với các cơ quan quản lý về trường hợp xe bị nạn trên.
Ông Đinh Văn Nam – Trưởng phòng Quản lý phương tiện vận tải - Người lái (thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nghệ An) cho biết, năm 2008 xe khách BKS 37B – 00348 được một người ở TP Vinh bán cho ông Hồ Viết Sự (ở huyện Quỳnh Lưu). Chiếc xe khách này chưa được Sở Giao thông Vận tải cấp phù hiệu tuyến cố định hoặc hoặc hợp đồng.
Về nguyên tắc thì xe chưa được cấp phù hiệu tuyến mà hoạt động vận tải chở hành khách thì đó là xe dù, xe hoạt động “chui”. Cần phải xử lý nhưng việc xử phạt lại thuộc về lực lượng chức năng khác. 
Ngày nào cũng có Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông làm việc trước Bến xe Vinh
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng Bến xe chợ Vinh thì cho hay, xe khách 37B – 00348 đã được cấp phù hiệu tuyến nhưng đã hết hạn từ ngày 31/12/2013. Sau khi hết hạn bến không cấp lốt (quyền xuất bến - PV) cho xe này nữa.
Tuy nhiên, Trưởng Bến xe chợ Vinh cũng thừa nhận, dù không được tiếp tục cấp lốt nhưng hầu như ngày nào xe khách BKS 37B – 00348 cũng vào Bến xe chợ Vinh trả khách. Việc này được bến thu tiền bến bãi bình thường nhưng không cho bắt khách trong bến.
“Chúng tôi vẫn cho xe BKS 37B – 00348 vào bến trả khách và có thu tiền bến bãi. Nhưng chúng tôi yêu cầu xe đó không được bắt khách trong bến nên lái xe đã hẹn và đón khách ở ngoài bến”, ông Nguyễn Văn Dương nói.
Vậy là trong thời gian chưa được cấp phù hiệu tuyến thì gần 2 tháng nay chiếc xe khách trên vẫn ngang nhiên hoạt động. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao “xe dù” trên không bị “tuýt còi” khi mà lộ trình xe khách này đi từ TP Vinh đến Quỳnh Lưu vẫn có các chốt kiểm tra của Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông TP Vinh và tỉnh?
Sẽ kỷ luật đơn vị “tiếp tay” cho “xe dù”
Liên quan đến sự việc này, chiều 19/2, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Trần Trọng Thắng  - Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tại cho rằng: Lực lượng thanh tra chỉ có thể kiểm tra các xe khi nó ở trạng thái tĩnh (trừ trường hợp đặc biệt) còn xe đang lưu thông thì chỉ có cảnh sát giao thông mới được dừng. Nếu biết xe khách đã bị tai nạn như đã đề cập mà hết hạn cấp phù hiệu tuyến thì khi xe này dừng Thanh tra giao thông sẽ xử lý ngay.
“Từ trước đến nay thanh tra có kiểm tra và xử lý xe khách 37B – 00348 hay không thì chúng tôi phải kiểm tra lại”, ông Thắng nói.

Trước khi gặp tai nạn hôm 17/2, xe khách này đã hoạt động "chui" gần 2 tháng

Còn ông Võ Minh Đức – Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh thì nói: Sau khi xảy ra vụ nổ xe khách trên, Ban sẽ tham mưu với UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An điều tra, làm rõ, xử lý liên đới lái xe và chủ phương tiện trong việc không có giấy phép kinh doanh vận tải mà vẫn chở khách và chở hàng dễ cháy nổ.
Trong quá trình điều tra nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì truy tố trách nhiệm hình sự.
Mặt khác, cũng theo Chánh văn phòng Ban an toàn giao thông tỉnh, UBND tỉnh cần chỉ đạo Công an các huyện rà soát tình trạng xe khách dù để xử lý. Khi phát hiện ra xe dù thì thông báo về Sở Giao thông Vận tải để phối hợp để yêu cầu các xe này làm thủ tục để được cấp phép hoạt động theo đúng quy định.
Đặc biệt, Sở Giao thông Vận tải cũng phải chỉ đạo Thanh tra giao thông tăng cường kiểm tra kiểm soát để xứ lý vi phạm và tạm giữ phương tiện “xe dù”. Đặc biệt yêu cầu các Bến xe chỉ đóng dấu nhật trình cho các xe khách trong điều kiện phương tiện đó có giấy phép hoạt động kinh doanh vận tải.
Trường hợp nào cố ý làm trái, tiếp tay cho “xe dù” thì xem xét kỷ luật. Ngoài ra, Công an tỉnh cũng phải yêu cầu các tổ kiểm tra phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng xe khách dù hoạt động trên tuyến mình quản lý.
Trao đổi với phóng viên VTC News, một cán bộ điều tra vụ tai nạn cho biết, theo nguyên tắc bình oxy trong quá trình vận chuyển phải dùng xe chuyên dụng, bình dựng đứng và giữ yên không va chạm với xung quanh.
Hiện nguyên nhân vẫn chưa được xác định. Theo Ban an toàn giao thông tỉnh Nghệ An, chưa tính vụ tai nạn nổ xe trên, từ ngày 28/1 đến ngày 6/2/2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ, làm chết 9 người, bị thương 15 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn tăng 4 vụ, giảm 1 người chết nhưng tăng 9 người bị thương.
Bình luận
vtcnews.vn