Theo Bloomberg, một ngày trước khi chiếc Boeing 737 MAX 8 lao xuống biển Java khiến 189 người thiệt mạng, kíp bay trên chiếc phi cơ này cũng phải vật lột với các vấn đề tương tự mà các đồng nghiệp xấu số gặp phải vào ngày hôm sau. Tuy nhiên họ may mắn có được sự trợ giúp của một phi công đi nhờ máy bay nên đã thoát khỏi thảm cảnh.
Được sắp xếp ngồi ở vị trí jump seat, viên phi công đã lập tức phát hiện vấn đề và hướng dẫn các đồng nghiệp vô hiệu hóa hệ thống điều khiển tự động gặp sự cố. Jump seat là ghế dành cho các phi công tập sự hoặc các thành viên phi hành đoàn hết phận sự đi nhờ và trong một số trường hợp là thân nhân của phi công hoặc tiếp viên.
Một ngày sau đó, phi hành đoàn điều khiển chiếc Boeing 737 MAX 8 này gặp phải sự cố tương tự khiến chiếc phi cơ lao xuống biển cùng 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn.
Sự xuất hiện của viên phi công thứ 3 trong buồng lái không được đề cập tới trong báo cáo hồi tháng 11 của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) và cũng chưa từng được nhắc tới trước đây. Báo cáo này chỉ đề cập tới việc chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn từng gặp nhiều sự cố trong các chuyến bay trước nhưng đã được sửa chữa kịp thời.
Bình luận về thông tin mới, người phát ngôn của Lion Air Danang Prihantoro khẳng định tất cả các dữ liệu và thông tin mà họ có về chuyến bay cũng như chiếc máy bay đã được chuyển tới NTSC.
"Chúng tôi không thể đưa ra thêm các binh luận vào thời điểm này vì cuộc điều tra về tai nạn vẫn đang diễn ra", ông này trả lời qua điện thoại.
Trong khi đó Boeng và NTSC từ chối bình luận về thông tin trên.
Hệ thống an toàn bay được thiết kế để giữ cho máy bay không bị chúc xuống hay giữ thăng bằng đang bị nghi vấn là nguyên nhân khiến chiếc Boeing 737 MAX 8 của Lion Air gặp nạn và có thể là cả chiếc MAX 8 của Ethiopia rơi hôm 10/3.
Trong sự cố xảy ra với máy bay Indonesia, cảm biến máy bay được cho là đã gửi thông tin sai lệch tới máy tính khiến nó tự động kéo mũi máy bay chúc xuống. Phi công đã buộc phải tìm cách nâng mũi của máy bay lên khoảng 20 lần chỉ trong 11 phút. Tuy nhiên, điều này lại tiếp tục khiến hệ thống MCAS kéo mũi máy bay chúc xuống. Cuộc vật lộn giữa phi công và hệ thống này kéo dài cho tới phút cuối cùng của chuyến bay trước khi nó lao xuống biển.
Bình luận