1. "Kẹo" là biểu trưng của sự ngọt ngào, nhưng với tuyển Hàn Quốc, thứ đồ ăn này lại mang đến những kỷ niệm không hay ho. World Cup 2014, Hàn Quốc bị loại ở vòng bảng khi xếp dưới Bỉ, Nga và Algeria. Sự thất vọng của cổ động viên được đẩy lên cao trào khi rất nhiều người đã ném kẹo vào các tuyển thủ trong ngày trở về tại sân bay Incheon.
30/6/2014, những viên kẹo là sự khởi đầu cho thất bại nhục nhã của bóng đá Hàn Quốc, từ cấp độ trẻ đến đội tuyển quốc gia.
So với thế hệ vàng của Park Ji Sung từng giúp Hàn Quốc vượt qua vòng bảng World Cup 2010, thế hệ hiện nay của Son Heung Min hay Ki Seung Young chỉ mang lại sự hổ thẹn. Đội bóng của HLV Shin Tae-Yong trải qua chuỗi trận chạy đà cho World Cup không thể thảm hại hơn khi chỉ thắng 1/6 trận gần nhất, nhận 4 thất bại. Trong năm 2018, Hàn Quốc có 3 chiến thắng, nhưng đó là những trận thắng trước đối thủ cỡ... Honduras, Moldova hay Latvia - những đội bóng không được dự World Cup.
Còn khi chạm trán Senegal hay Ba Lan, "những chiến binh Taeguk" lập tức thua trận.
Nếu Hàn Quốc tiếp tục thất bại ở World Cup 2018 - khả năng dễ xảy ra khi họ nằm cùng bảng đấu với Đức, Mexico và Thụy Điển, có lẽ Son Heung Min cùng các đồng đội sẽ... không bị ném kẹo vào người như các đàn anh từng hứng chịu 4 năm trước. Bởi đơn giản, kỳ vọng dành cho bóng đá Hàn Quốc đã xuống tận đáy. Báo chí nước này bi quan trước viễn cảnh Hàn Quốc bị loại sớm, còn người hâm mộ đặt rất ít niềm tin vào thầy trò HLV Shin Tae-Yong, trái với kỳ vọng ở kỳ World Cup trước.
Nhưng có khi, đấy lại là... điềm may với Hàn Quốc. Không phải chịu sức ép nào, đội bóng xứ kim chi biết đâu lại tạo nên bất ngờ.
2. Nói đến kỳ tích lớn nhất trong lịch sử bóng đá Hàn Quốc, phải nói đến World Cup 2002. Giải đấu năm ấy, đội bóng của Guus Hiddink đã để lại không ít "vết nhơ" khi những tiếng còi méo của trọng tài không ít lần giúp Hàn Quốc hưởng lợi trước Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha hay Italia. Người hùng năm ấy của bóng đá Hàn Quốc là "phù thủy" Hiddink - người đã biến "những chiến binh Taeguk" trở thành tập thể rắn chắc và rất khó bị đánh bại.
Nhưng không thể bỏ qua vai trò thầm lặng của một "cánh tay nối dài", người đã giúp HLV Hiddink đến gần hơn và truyền thụ hoàn hảo các ý tưởng đến với với cầu thủ. Người ấy, cả Việt Nam đều biết, đó là trợ lý Park Hang Seo.
Không lâu sau tiếng vang trong vai trò trợ lý của Hiddink, Park Hang Seo tiếp tục sự nghiệm huấn luyện ở một loạt đội bóng Hàn Quốc, trong đó có Chunnam Dragons, Sangju Sangmu hay Gyeongnam FC, song không có được thành công. 10 năm sau chiến tích của Hàn Quốc, Park Hang Seo vẫn chỉ được biết đến với danh nghĩa "cánh tay phải" của Hiddink.
Để rồi, thầy Park quyết định rời quê hương để dẫn dắt U23 Việt Nam. Phần còn lại, như người ta vẫn nói, đã trở thành lịch sử.
Khi dẫn dắt CLB Ulsan Hyundai sang Việt Nam chơi trận giao hữu trước thềm vòng chung kết U23 châu Á, HLV Kim Do Hoon (Ulsan Hyundai) được phóng viên hỏi về cơ hội thành công của U23 Việt Nam ở giải đấu này. Đáp lại, HLV Kim Do Hoon nhếch mép cười và cho rằng nó là điều rất khó, rất khó xảy ra. Phần còn lại, cũng trở thành lịch sử.
U23 Việt Nam vào chung kết và chỉ chịu thua U23 Uzbekistan trong cơn mưa tuyết ở Thường Châu, trong khi U23 Hàn Quốc bị loại ở bán kết và cũng thua luôn trong trận tranh hạng ba với U23 Qatar.
Sự xuất hiện của HLV Park Hang Seo trên cương vị thuyền trưởng U23 Việt Nam khiến người Hàn Quốc lo ngại, nhưng có nằm mơ, đội bóng xứ kim chi cũng không nghĩ đến việc phải xếp dưới U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á.
Báo chí xứ Hàn sửng sốt, vì một "bại tướng" của họ - Park Hang Seo, lại đưa U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích với vị thế cửa dưới.
Cách mà người Hàn Quốc nhìn nhận U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á, cũng giống cách mà thế giới nhìn Hàn Quốc khi đội tuyển của họ góp mặt ở World Cup hôm nay.
Cũng là đánh giá thấp, cũng là xem nhẹ (với một đội bóng chỉ cần có điểm đã là thành công), nhưng U23 Việt Nam biết biến sự xem thường của đối thủ thành sức mạnh nội tại. Hàn Quốc có học hỏi được tinh thần ấy để đảo ngược ván cờ World Cup hay không?
3. Nói Hàn Quốc học tập Việt Nam, nghe có chút... khiên cưỡng. Ai cũng thấy, hình mẫu phát triển và tư duy bóng đá của Hàn Quốc là thứ bóng đá Việt Nam hướng tới. Nên chẳng có lý gì, bóng đá Hàn Quốc lại phải học tập tinh thần của một đội bóng trẻ từ Việt Nam.
Người Hàn Quốc từng giữ suy nghĩ ấy, từng đánh giá U23 Việt Nam của HLV Park Hang Seo như vậy, cho đến khi chứng kiến kỳ tích của đội bóng áo đỏ. Vị thế của Hàn Quốc cũng giống U23 Việt Nam hôm ấy, nằm ở cửa dưới và bị hoài nghi rất nhiều.
Nhưng ở World Cup năm nay, Australia đã khiến người Pháp khốn khổ, Iran quật ngã Morocco, Thụy Sĩ cầm chân Brazil, Iceland khiến Argentina của Messi "tắt điện" hay Mexico khiến Đức phải cúi đầu,... tỉ lệ "cửa dưới" gây địa chấn còn lớn hơn tỉ lệ chiến thắng của cửa trên. Do đó, Hàn Quốc không có lý do để tuyệt vọng.
Thành công của U23 Việt Nam ở giải đấu trẻ chỉ như hạt cát nhỏ bé, nhưng hạt cát ấy đã khiến mặt hồ tĩnh lặng bỗng chốc phải lao xao. Truyền thông quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, choáng váng trước thành công của thầy trò HLV Park Hang Seo. Và nếu thực sự nể phục, hãy xem đó như bài học.
Trong bóng đá, không có gì là không thể, chỉ cần có phương án chiến thuật hợp lý và chơi với tinh thần của chiến binh. HLV Park Hang Seo từng ca ngợi tính chiến đấu của các cầu thủ Hàn Quốc, và giờ là lúc đội bóng xứ kim chi thể hiện khả năng.
Mọi ngả đường trong tim người Hàn Quốc sẽ hướng về Nizhny Novgorod Stadium tối nay, khi Son Heung Min cùng các đồng đội có trận ra quân gặp Thụy Điển. Trong cuốn băng mà HLV Shin Tae Yong cho các học trò xem trước trận đấu, biết đâu đấy, sẽ có hình ảnh của U23 Việt Nam. Một đội bóng cũng bị đánh giá thấp, song biết cách ngược nắng, ngược gió để thành người hùng với niềm tin của một người Hàn trên băng ghế chỉ đạo.
Bình luận