Công ty VNDirect vừa có báo cáo tài chính quý 4/2023, trong đó có khoản phải thu khó đòi lên tới gần 31,6 tỷ đồng của Công ty Bkav Pro do ông Nguyễn Tử Quảng làm Tổng giám đốc.
Theo báo cáo tài chính của VNDirect, trong tổng số gần 37,2 tỷ đồng tiền phải thu khó đòi thì khoản nợ của Bkav Pro đã chiếm đến 85%. Còn lại là các khoản nợ của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Phương Nam (gần 730 triệu đồng); Công ty TNHH Tư vấn Quản lý C&A (550 triệu đồng).
Ngoài ra, VNDirect cũng cần phải thu nợ khó đòi của khách hàng cá nhân và các cán bộ, nhân viên đã nghỉ việc với số tiền cần phải thu là hơn 2,5 tỷ đồng.
VNDirect và BKAV là đối tác của nhau trong những năm gần đây. Vào tháng 8/2023, Vndirect đã chính thức sử dụng hợp đồng điện tử Bkav eContract của BKAV.
Trước đó, vào năm 2021, VNDirect cũng chính là đơn vị tư vấn hồ sơ chào bán, đại diện người sở hữu trái phiếu, đại lý đăng ký lưu ký và thanh toán cho đợt phát hành huy động 170 tỷ đồng của BKAV.
Quý 4/2023, VNDirect có lợi nhuận trước thuế gia tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái khi đạt hơn 991 tỷ đồng. Trong khi đó, vào quý 4/2022, lợi nhuận trước thuế của Vndirect chỉ đạt gần 8,5 tỷ đồng.
Sở dĩ trong quý 4/2023 VNDirect lãi hơn 100 lần so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ hoạt động tự doanh trái phiếu. Lũy kế cả năm 2023, lợi nhuận trước thuế của VNDirect đạt hơn 2.481 tỷ đồng, trong khi năm 2022 chỉ đạt hơn 1.720 tỷ đồng.
Bkav Pro kinh doanh ra sao?
Bkav Pro thành lập năm 2018, trong 5 năm kinh doanh, Bkav Pro đều có biên lợi nhuận gộp tương đối cao, lên tới hơn 82% nhờ giá vốn thấp.
Doanh thu thuần của Bkav Pro trong năm 2018 đạt 105 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng. Đến năm 2019, doanh thu thuần của Bkav Pro là 176 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 118 tỷ đồng.
Năm 2020, doanh thu thuần của doanh nghiệp này là 167 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 103 tỷ đồng. Tới năm 2022, lợi nhuận của Bkav Pro chỉ còn hơn 40 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp của ông Nguyễn Tử Quảng chỉ có lợi nhuận vỏn vẹn 4,4 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 207 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 521 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 315 tỷ đồng.
Chi phí lớn nhất của Bkav Pro là bán hàng, dao động từ 30 – 32 tỷ đồng/năm, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ vài tỷ đồng. Các phần mềm diệt vius vẫn là sản phẩm chủ lực đóng góp đến 80% lợi nhuận của Bkav Pro.
Theo ghi nhận của VTC News, giá bán các sản phẩm diệt virus của Bkav đang dao động từ 299.000 – 889.000 đồng/năm, tùy vào số lượng máy cài đặt.
Bình luận