Tối 5/9, bão số 3 (Yagi) tiếp tục duy trì cường độ ở cấp siêu bão. Lúc 19h, vị trí tâm siêu bão trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Trong 24 giờ tới, siêu bão Yagi trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 400km về phía Đông Đông Nam, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km/h. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Khu vực chịu ảnh hưởng ở phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn).
Khoảng 7h ngày 7/9, bão Yagi không đổi hướng và di chuyển nhanh hơn, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào vịnh Bắc Bộ và suy yếu dần. Vị trí tâm bão lúc này trên vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 140km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.
Đến 19h ngày 7/9, bão trên đất liền khu vực Đông Bắc Bắc Bộ, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h và suy yếu dần.
Khoảng 19h ngày 8/9, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Để ứng phó với siêu bão Yagi sắp đổ bộ, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi từ từ 5h ngày 6/9.
Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu cấm biển từ 11h ngày 6/9.
Tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), đến 17h ngày 5/9, toàn bộ 41 tàu cá khai thác ngoài khơi có chiều dài trên 12m đã nhận được thông tin và vào các điểm tránh trú bão, các tàu có chiều dài dưới 12m khai thác vùng ven bờ đang di chuyển vào nơi tránh trú.
Với 65 cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạt động trên biển, UBND Hạ Long đã chỉ đạo Phòng Kinh tế triển khai thực hiện thông báo đến các chủ cơ sở để có phương án di dời người dân trên các phương tiện thủy, các nhà bè nuôi trồng thủy sản trước 16h ngày 6/9.
Thành phố đã thực hiện kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở và các nguy cơ khác gồm 351 vị trí với 224 điểm có nguy cơ sạt lở, 107 điểm nguy cơ ngập úng và 20 vị trí nguy cơ khác (đá rơi, lũ quét…).
Hải Phòng cũng là địa phương dự báo bão số 3 đổ bộ. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, thành phố dự kiến cấm biển, các hoạt động vận tải ở bến phà ra Cát Bà từ trưa 6/9.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu, Sở Xây dựng khẩn cấp rà soát các khu vực chung cư cũ đủ điều kiện sẵn sàng để bố trí cho các hộ dân có thể bị ảnh hưởng bởi bão, cần phải di cư tránh bão.
UBND các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền rà soát các khu vực dân cư bị ngập lụt sâu, nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão để tổng hợp, thống kê và chuẩn bị khu vực trường học, công sở phục vụ việc trú bão cho nhân dân. Đồng thời, các địa phương chuẩn bị phương tiện, nhân lực, cơ sở vật chất, lương thực thiết yếu sẵn sàng ứng phó các tình huống cần thiết.
Đối với quận Đồ Sơn, huyện Cát Bà, ông Nguyễn Văn Tùng đề nghị các địa phương rà soát các cơ sở vật chất, các trang thiết bị phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.
Sở GD&ĐT Hải Phòng sớm có phương án cho học sinh các cấp nghỉ học, đồng thời phối hợp với các quận bố trí các trường làm điểm tạm trú tránh bão cho các hộ dân thuộc diện di cư.
Bình luận