Phát xạ vô tuyến (FRB) là những bước sóng radio lóe sáng trên giải ngân hà trong thời gian chỉ vài miligiây nhưng đủ tạo ra nguồn năng lượng tương đương với 50 triệu Mặt trời. Các phát xạ vô tuyến cực kỳ hiếm gặp với chỉ hơn 100 phát xạ được ghi lại từ năm 2007 cho đến nay và nguyên nhân của nó vẫn là một bí ẩn.
Trong số hơn 100 phát xạ từng được phát hiện, hầu hết trong số chúng bùng lên trong một lần duy nhất.
Tuy nhiên, vào tháng 1 năm nay, các nhà khoa học phát hiện phát xạ FRB 180916.J0158 + 65 có chu kỳ hoạt động 16 ngày. Nó phát ra các đợt sóng vô tuyến trong khoảng thời gian 4 ngày, dừng trong khoảng thời gian 12 ngày, sau đó lặp lại.
Sau FRB 180916, các nhà khoa học mới đây phát hiện thêm một phát xạ vô tuyến khác cũng tồn tại chu kỳ hoạt động tương tự nhưng với thời gian dài hơn.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã theo dõi FRB 121102 bằng Kính viễn vọng Lovell ở Anh trong suốt 5 năm và phát hiện ra chu kỳ hoạt động 157 ngày của phát xạ này. Nó phát ra các đợt sóng vô tuyến trong 90 ngày, sau đó im lặng trong 67 ngày.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân đằng sau hoạt động tuần hoàn này, nhưng họ đưa ra một số giả thiết như sự bùng phát định kỳ có thể xuất phát từ hiện tượng chao đảo trong trục quay của một ngôi sao neutron có từ tính cao hoặc phát xạ này liên kết với chuyển động quỹ đạo của một ngôi sao neutron trong một hệ sao nhị phân.
"Phát hiện thú vị này chứng minh những điều mà chúng ta biết về nguồn gốc của FRB ít tới thế nào. Cần phải quan sát thêm nhiều FRB hơn để có được một bức tranh rõ ràng hơn về nguồn phát tín hiệu định kỳ này và làm rõ nguồn gốc của chúng", Duncan Lorimer, Phó Khoa Vật lý Thiên văn thuộc Đại học West Virginia cho hay.
Bình luận