Công ty khí đốt Nga Gazprom cho biết mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở các nước không thuộc CIS (cộng đồng các nước thuộc Liên Xô cũ) đã giảm 34 tỷ mét khối trong 11 tháng của năm 2023, xuống mức của năm 1996.
"Hiện tượng khủng hoảng được biểu hiện rõ ràng nhất ở thị trường khí đốt châu Âu, khi lần đầu tiên trong lịch sử ngành năng lượng toàn cầu, nhu cầu khí đốt tự nhiên bị phá hủy nhân tạo. Theo ước tính sơ bộ, mức tiêu thụ khí đốt ở các nước châu Âu không thuộc CIS giảm thêm 34 tỷ mét khối và ở mức của năm 1996", công ty phân phối khí đốt này cho biết.
Trong đó sản lượng sản xuất khí đốt ở khu vực bắt đầu giảm trở lại và giảm 18 tỷ mét khối tính đến cuối tháng 11/2023, trong đó có 9 tỷ mét khối của Na Uy. Gazprom lưu ý: “Vì vậy, rủi ro về an ninh năng lượng đang gia tăng đáng kể ở các nước châu Âu, đặc biệt là trong những tháng mùa đông”.
Trước đó, theo dữ liệu của Eurostat, kể từ tháng 2/2022 (khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu), sau khi EU bắt đầu áp đặt các lệnh cấm vận đối Moskva, chi tiêu nhập khẩu khí đốt của khối này hàng tháng đã tăng lên 16,3 tỷ USD. Trong số này, 8,3 tỷ USD dành cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), hơn 8 tỷ USD còn lại cho khí đốt thông qua các đường ống dẫn khí.
Trong những năm trước đó, EU chỉ mất khoảng 6,3 tỷ USD cho việc nhập khí đốt hàng tháng.
Từ con số trên, Eurostat ước tính các quốc gia thành viên EU trong vòng 20 tháng đã chi tổng cộng 328 tỷ USD cho nhập khẩu khí đốt. Nhập khẩu khí đốt của EU luôn có xu hướng tăng theo thời gian điều này càng khiến khối mất thêm nhiều tiền.
Trong khi châu Âu đang đối mặt với việc các lệnh trừng phạt phản tác dụng áp đặt lên Nga, thì Mỹ lại thu về khoản lợi nhuận ước tính trị giá 57 tỷ USD. Các quốc gia khác được hưởng lợi từ nhập khẩu khí đốt của EU còn có Anh (29,1 tỷ USD), Na Uy (25,8 tỷ USD) và Algeria (22,6 tỷ USD).
Mặt khác, Nga dù hứng chịu các lệnh cấm vận từ EU những vẫn xuất khẩu được 15 tỷ USD khí đốt cho khối này.
Bình luận