• Zalo

Tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư rõ ràng, cụ thể hơn

Chính trịThứ Ba, 04/02/2020 11:53:45 +07:00Google News
(VTC News) -

Việc bổ sung quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư ở Quy định 214 nhằm làm rõ và cao hơn trách nhiệm của người đứng đầu Đảng.

Ngày 2/1/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 214 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Quy định này thay thế Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017.

Tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư rõ ràng, cụ thể hơn - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương 2019. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Nói về ý nghĩa của việc ban hành Quy định 214 vào thời điểm trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ diễn ra trong năm 2020, PTS Nguyễn Văn Giang, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), người được tham gia vào quá trình bổ sung thêm một số nội dung mới cho Quy định mới 214, cho biết, so với Quy định 90, Quy định 214 có bổ sung thêm mấy chục chức danh mới.

Việc bổ sung những nội dung mới nhằm đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình công tác cán bộ cũng như đội ngũ cán bộ hiện nay để chuẩn bị cho công tác nhân sự của Đại hội XIII sắp tới được chặt chẽ, khoa học hơn.

Việc ban hành Quy định 214 vào thời điểm này nhằm hoàn thiện thêm các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, bổ sung thêm các quy định nhằm giúp cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong điều kiện mới. Đây có thể coi là bước tiến mới trong công tác cán bộ của Đảng cũng như trong công tác xây dựng Đảng.

Theo Quy định mới về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, những quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chức danh Tổng Bí thư có thể nói đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, những quy định mới về tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư ở Quy định 214 dường như không có nhiều sự khác biệt so với quy định 90. Những nội dung mới được điều chỉnh thêm vào quy định lần này, có thể nói, đều là những quy định hợp với lòng dân.

Đơn cử, so với quy định cũ, tiêu chuẩn đặt ra với chức danh Tổng Bí thư không chỉ cần có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm, mà quy định mới còn nhấn mạnh đến cụm từ “cán bộ chủ chốt”. Hay cá nhân đảm đương chức danh Tổng Bí thư không chỉ là người có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng mà quan trọng còn phải giành được uy tín trong lòng nhân dân. Cùng với các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, người đảm nhận chức danh Tổng Bí thư phải là “trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị” thay vì “hạt nhân đoàn kết” như quy định cũ.

Có thể thấy, sự quan tâm đặc biệt của dư luận đối với những điều chỉnh về tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư hoàn toàn dễ hiểu. Bởi người dân kỳ vọng ở Đại hội Đảng sắp tới, chúng ta sẽ tìm ra được những nhà lãnh đạo làm việc bằng một cái tâm trong sáng, quyết liệt như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm thời gian qua. Những nhà lãnh đạo ấy bằng cái tâm trong sáng tiếp tục tìm ra và giới thiệu cho Đảng những hạt nhân ưu tú.

Tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư rõ ràng, cụ thể hơn - 2

Ông Nguyễn Văn Giang, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (bên phải) và Ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương.

Chia sẻ thêm về quy định này đối với tiêu chuẩn chức danh Tổng Bí thư, ông Phạm Quang Hưng - Vụ trưởng Vụ Các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương (Vụ 5), Ban Tổ chức Trung ương, một lần nữa nhấn mạnh, quy định chức danh Tổng Bí thư phải có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm. Tuy nhiên, đây không phải là quy định mới.

Theo Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương, trong các Nghị quyết của Đảng về chiến lược cán bộ, từ cách đây 20 năm đều nói rõ người đứng đầu các cấp phải chăm lo đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của mình, đặc biệt là người kế cận sẽ thay thế mình.

Do vậy, cụm từ “cán bộ chủ chốt” xuất hiện ở Quy định 214 mang ý nghĩa cụ thể hóa về yêu cầu đó với chức danh Tổng Bí thư không chỉ cao hơn, mà còn rõ ràng hơn.

Trong lịch sử của chúng ta, đã có những lúc, việc lựa chọn Tổng Bí thư còn bị động. Việc quy định cụ thể lần này nhằm làm rõ và cao hơn trách nhiệm của Tổng Bí thư, phải là người giới thiệu cho Ban Chấp hành Trung ương, cho Đại hội nhân sự cán bộ chủ chốt các cấp dựa trên nguyên tắc của công tác cán bộ là nguyên tắc của cấp ủy có thẩm quyền chứ không phải nguyên tắc của cá nhân. 

“Thủ trưởng của một cơ quan, hay Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ là người thực hiện chức năng về mặt Nhà nước; còn lại công tác cấp ủy là của tập thể theo nguyên tắc tập trung dân chủ quyết định và thảo luận theo đa số biểu quyết. Phải hiểu theo nghĩa rộng một cách rành mạch như thế chứ không nên hiểu theo cách cụ thể”, ông Phạm Quang Hưng nêu rõ.

 

Hà Thanh/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn