Thị trường chứng kiến một tuần làm việc ảm đảm
Tiếp nối những phiên làm việc ảm đạm của tuần trước đó, thị trường chứng khoán tuần vừa qua (từ 5/9 – 9/9) đã trải qua những ngày giao dịch không thực sự khởi sắc. Hoạt động bán tháo tiếp tục áp đảo trên bảng điện tử, trong khi đó lượng tiền đổ vào sàn lại hạn chế.
Theo dõi thị trường có thể thấy, thị trường đầu tuần giao dịch với xu hướng khá bi quan khi các chỉ số trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đều giảm điểm mạnh. Những cổ phiếu lớn đóng vai trò trụ cột trên sàn ồ ạt lao dốc.
Bước vào những phiên làm việc tiếp theo, thị trường chứng khoán vẫn diễn ra trong không khí tẻ nhạt, khiến các chỉ số chỉ biến động trong biên độ hẹp, không tạo được sự đột phá nào đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, tuần qua, thị trường còn chứng kiến các ngày giao dịch vô cùng ảm đạm của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, các cổ phiếu liên tục giằng co lên xuống thất thường, thậm chí có mã đã giảm khá sâu khi bị giới đầu tư mạnh tay bán ra (điển hình như VCB của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam).
Tính chung cả tuần giao dịch, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có khá nhiều mã giảm giá, bên cạnh một vài mã đi lên nhẹ.
Ở nhóm giảm giá, trong tuần qua, cổ phiếu VCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam đã để mất tới 13.800 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 26%, từ mức 52.500 đồng/cổ phiếu hôm 1/9 xuống còn 38.700 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên giao dịch ngày 9/9.
Cổ phiếu BID của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam giảm 100 đồng/cổ phiếu, từ mức 16.400 đồng hôm 1/9 xuống còn 16.300 đồng khi chốt phiên 9/9; STB của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín đang giữ ở mức 9.900 đồng/cổ phiếu, giảm 300 đồng/cổ phiếu; EIB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam giảm 500 đồng và đang giữ ở mức 10.500 đồng.
Trong khi ở chiều tăng giá, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tăng 200 đồng/cổ phiếu lên mức 17.400 đồng/cổ phiếu khi khép phiên cuối tuần 9/9; cổ phiếu MBB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tăng 100 đồng/cổ phiếu và đang giữ ở mức 14.900 đồng/cổ phiếu.
Riêng về chỉ số, tính chung cả tuần qua, chỉ số Vn-Index bên sàn TP.HCM đã giảm 0,35% và đứng tại 666,88 điểm; trong khi HNX-Index bên sàn Hà Nội lại đóng cửa tuần với mức tăng 0,51% và giữ ở mức 84,47 điểm.
Cũng giống như chỉ số, thanh khoản thị trường trên hai sàn đã diễn biến trái chiều trong tuần qua. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn TP.HCM đạt 97,4 triệu đơn vị/phiên, tăng 1,59% so với tuần giao dịch trước. Còn sàn Hà Nội đạt hơn 39,9 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 2,09%.
Cân nhắc kỹ hơn về rủi ro
Trải qua một tuần giao dịch không thực sự khởi sắc, các công ty chứng khoán cho rằng, bước sang tuần tới, giới đầu tư cần cân nhắc kỹ hơn về rủi ro trước khi đưa ra quyết định giao dịch.
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BSC, hiện rủi ro thị trường đến từ việc khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng trong suốt hơn một tháng trở lại đây, chỉ số trên hai sàn trồi sụt và phụ thuộc lớn vào vận động lên xuống của nhóm cổ phiếu trụ và vốn hóa lớn. Vì vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân cổ phiếu cơ bản đang ở vùng giá thấp với tỷ trọng nhỏ và gia tăng khi thị trường quay trở lại kiểm tra các mức hỗ trợ thấp hơn tin cậy được.
Trong khi đó, theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán FPT - FPTS, hiện chiến lược tranh thủ sự “hưng phấn” của thị trường để chốt lời tỏ ra hiệu quả hơn, với nhóm nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Trong bối cảnh các cổ phiếu trụ cột liên tục phân hóa và xu hướng chỉ số không nhận được sự hỗ trợ cần có từ dòng tiền, thì nhà đầu tư sẽ cần cân nhắc kỹ hơn về rủi ro trước khi đưa ra quyết định giao dịch.
Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt - BVSC, áp lực bán ròng bề bỉ ở khối ngoại, xu hướng ngắn hạn của Vn-Index bên sàn TP.HCM vẫn đang khá trung tính. Đặc biệt, áp lực bán khá bền bỉ của khối ngoại đang gây ra lực cản cho đà hồi phục của thị trường.
Cũng theo BVSC, thị trường cần thêm những thông tin hỗ trợ mới để có thể bứt phá qua vùng đỉnh 680 điểm đối với chỉ số Vn-Index. Nếu không, khả năng diễn biến phân hóa và kéo dài chuỗi ngày điều chỉnh có thể sẽ sớm tái diễn.
Bình luận