Đám cưới của chị Hà và anh Hùng "râu", một "quái nhân" và cũng là bộ óc điện tử siêu việt của FPT đến bây giờ vẫn được truyền tụng là một trong những đám cưới độc nhất vô nhị...
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Thaiha Books, trước đây từng là Giám đốc Trung tâm Đề án và Chuyển giao công nghệ của FPT, cho biết, ông từng tiếp xúc và làm việc cùng với Chu Thị Thanh Hà trong nhiều năm. “Ngày xưa, tôi cùng làm với Hà ở FPT trên đường Láng Hạ nên cũng hay trò chuyện, trao đổi với Hà.
Lúc đó, Hà còn khá trẻ, nhưng ở con người cô đầy nhiệt huyết. Hà là người nghiêm túc, chỉn chu, mềm mỏng nhưng cũng rất quyết đoán, rắn rỏi. Cô có năng lực, giỏi ngoại ngữ, đáng tin cậy và được mọi người yêu quý. Hà là người có tố chất, tiềm năng, lúc đó tôi đã nghĩ Hà sẽ còn tiến xa trong công việc, dù làm ở môi trường nào, không riêng gì FPT. Nhưng thú thực tôi không nghĩ Hà lại thăng tiến nhanh thế, giờ đã là Phó tổng giám đốc FPT khi tuổi đời còn khá trẻ”.
Một trong những kỷ niệm về Chu Thị Thanh Hà mà ông Hùng nhớ nhất đó là lễ cưới của chị Hà với anh Hùng “râu”, tức Lê Thế Hùng, một trong những người sáng lập ra FPT. Hùng “râu” là một nhân vật rất nổi tiếng trong FPT, bởi anh là người rất thông minh, dí dóm, sáng tạo, nói chuyện rất thú vị, thậm chí người ta còn gọi anh là kẻ quái đản, lập dị.
Hùng “râu” có lẽ phải nhiều hơn Hà trên 15 tuổi, nhưng thời điểm Hà gia nhập vào ngôi nhà FPT, anh vẫn chưa có mảnh tình vắt vai nào, thậm chí mọi người còn nghĩ Hùng "râu" sẽ ở vậy đến suốt đời. Không ai ngờ sau đó chưa đầy 1 năm, Hùng “râu” lại rước Hà lên xe hoa trước sự ngỡ ngàng của mọi người.
Cho đến tận bây giờ, gần 16 năm sau đám cưới của anh Hùng và chị Hà, dân FPT vẫn lưu truyền câu chuyện này như một đám cưới độc nhất vô nhị của người FPT. Anh Nguyễn Mạnh Hùng là một trong những người tham dự đám cưới này.
Theo lời kể của anh Hùng, hồi đó FPT còn bé lắm, trụ sở đang ở số 1A Yết Kiêu, cạnh Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô, nhân sự cũng chưa nhiều, nhưng đám cưới của Hùng “râu” và chị Hà có khá đông người dự.
Đám cưới của cặp vợ chồng này là một sự kiện lớn của FPT, và bài hát “Hùng râu yêu ai” luôn được dân FPT thuộc lòng, thậm chí đến bây giờ ông Hùng vẫn thuộc bài hát này.
Điều đặc biệt trong đám cưới là chính FPT đứng ra tổ chức lễ cưới cho đôi trai gái, chứ không phải gia đình hai bên. Đám cưới theo phong cách của thời bao cấp, mọi người đi dự đều phải góp một món quà tinh thần nào đó. Người thì hát hò, kẻ nhảy múa, tấu hài, chúc tụng… rất vui nhộn.
"Tôi vẫn nhớ như in những người có “có công” nhất ở đám cưới này là các anh Khắc Thành (giờ là phó giám đốc Đại học FPT), anh Hưng Đỉnh, anh Lê Quang Tiến (sau này là chủ tịch Tiên Phong Bank),… và dĩ nhiên không thể thiếu những món quà rất máu lửa của anh Trương Gia Bình", ông Hùng nói.
Đám cưới được tổ chức vào tháng 10/1995 trên một chiếc thuyền rồng trên Hồ Tây. Khoảng 40 – 50 quan khách chen chúc trên chiếc thuyền bồng bềnh giữa hồ. Vì thuyền rồng không đủ chỗ nên nhiều người FPT phải thuê thuyền chèo bám xung quanh để dự thính, trông cứ như một lễ hội trên sông nước.
Đám cưới của Hùng “râu” và chị Hà được dân FPT ví von là “Lễ truy điệu Hùng “râu” khỏi cõi trai tơ” và chú rể còn được FPT trao tặng “huân chương cao cả” vì sự nghiệp “duy trì giống nòi”, bởi lâu nay Hùng “râu” có tiếng “trơ như sắt đá” trước chị em phụ nữ dù đã ngoài tuổi băm.
Mở đầu lễ cưới là nhạc quốc ca và công ty ca, đồng thời tàu rồng kéo còi "ai oán". Sau đó là lần lượt các màn “nghi lễ tiễn đưa" Hùng “râu” khỏi cõi trai tơ do dân FPT đạo diễn, như đọc cáo phó, thuật lại cuộc đời thân thế sự nghiệp của Hùng “râu”, điếu văn và văn tế…
Trong điếu văn nói về Hùng “râu” có nhiều đoạn khiến người nghe phải cười nghiêng ngả: “Tiếc lắm thay, trong hơn 7 năm tung hoành cõi trai tơ, coi sếp như trẻ thơ, chị em như cục gỗ…”. Sau bài điếu văn, toàn bộ nhân viên FPT hướng về phía cô dâu Thanh Hà và hô to khẩu hiệu “Đã là vợ phải là vợ Hùng râu!”.
Đám cưới của chị Hà và anh Hùng “râu” ấn tượng đến nỗi ông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng, sau này không còn được dự một đám cưới nào sôi động và mang giá trị tinh thần, đồng đội lớn như thế nữa.
Anh Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software Đà Nẵng, cũng là người từng trò chuyện, tiếp xúc nhiều với chị Hà. Trước khi vào Đà Nẵng nhận vị trí Giám đốc FPT Software trong này, anh Phương làm cho FPT ở Hà Nội nhiều năm. Anh Phương kể, chị Hà kém anh 1 tuổi, là người giản dị, cởi mở, thông minh và nói chuyện rất thú vị.
Ở FPT, dấu ấn của Chu Thị Thanh Hà rất lớn, dân FPT ở Đà Nẵng cũng như nhiều nơi khác dù được gặp chị hay chưa đều biết đến tiếng chị. “Hà đã rải nghiệm qua nhiều vị trí tại FPT nên khi đã lên các vị trí quản lý cấp cao của tập đoàn, chị tương đối am hiểu công việc của nhiều người, đặc biệt là những người làm kinh doanh bán hàng”, anh Phương nói.
Anh Phương cho biết, dù không làm việc trực tiếp với chị Hà nhưng anh lại có nhiều năm làm cùng anh Lê Thế Hùng là ông xã của chị Hà.
“Anh Hùng là người rất giỏi, từ chuyên môn đến ngoại ngữ, văn thơ, đối đáp cũng như cường độ làm việc. Anh thuộc loại “quái nhân”, có cá tính rất mạnh ở FPT, đến nổi chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình còn phải thốt lên “người như Hùng “râu” chắc phải 4.000 năm mới có một lần”.
Anh rất quyết đoán, ngang ngược và thường không ai trong công ty lập luận thắng anh được. Thế nhưng, Hà lại có thể trị được chồng thì tôi rất nể phục Hà”, anh Phương nói.
Anh Phương từng đến chơi nhà anh Hùng, chị Hà. Anh Hùng “râu” cũng hay tham gia các phong trào thể thao của FPT, có lần anh đá bóng bị gãy chân, phải nằm ở nhà, mọi người đến thăm, thấy chị Hà chăm anh rất tận tụy.
Chị Hà cũng là người có tiếng dạy con rất nghiêm khắc, bài bản và những đứa con của chị thường tự lập từ rất sớm. Hiện vợ chồng chị có 3 người con, 2 con trai đầu và 1 cô con gái út. Con trai cả của anh chị đang du học ở nước ngoài.
“Nữ tướng” Chu Thị Thanh Hà từng đăng đàn trong 1 buổi Open Talk của FPT diễn ra vào tháng 3 vừa qua. Trong đó, chị có chia sẻ những tâm sự, trải nghiệm đời tư rất chân thực của mình. Chị nói, dù đã có ba đứa con nhưng chồng vẫn luôn là người chiếm “vị trí ưu tiên số 1” với chị.
Dù bận mấy, chị vẫn cố gắng dành những “khoảng thời gian riêng cho chồng”. Đó có thể chỉ đơn giản là những buổi sáng dậy sớm rủ chồng đi ăn sáng, uống cà phê hay hai vợ chồng rủ nhau đi bộ tập thể dục. Hoặc nếu có thời gian, hai vợ chồng thường có những chuyến dã ngoại, du lịch để “củng cố” tình cảm và làm mới tinh thần.
Bản thân hai vợ chồng chị đều bận và chịu rất nhiều áp lực trong công việc. Thời điểm sinh con thứ 3, chị càng bận và vất vả hơn, hai vợ chồng lâm vào tình cảnh không có thời gian riêng để dành cho nhau. Nhưng chị vẫn tìm nhiều cách để có thời gian dành riêng cho chồng, như thỉnh thoảng hai vợ chồng vẫn đi dạo, uống café dù lúc đó đã hơn 10h đêm.
Sau những lần như thế, tình cảm hai vợ chồng “nồng thắm” hơn rất nhiều. Chị chiều chồng giống như chiều một khách hàng lớn và theo phương châm “khách hàng luôn luôn đúng”.
Đặc biệt, phụ nữ cần tránh so sánh chồng mình với người đàn ông khác, ngay cả trong suy nghĩ.
“Nguyên tắc duy nhất và bất di bất dịch của chị trong suốt 15, 16 năm nay là chồng luôn là số 1”, chị nhấn mạnh.
Với chị, chỉ cần có tấm lòng và thật tâm mong muốn làm điều đó thì dù bận đến mấy vợ chồng chị vẫn có được khoảng thời gian riêng.
Anh N.H.L, một nhân viên của FPT kể, chuyện tình của anh Hùng và chị Hà rất lãng mạn. Lúc cưới nhau rồi mà anh Hùng thi thoảng vẫn làm thơ tặng chị Hà. Có một số bài thơ còn được lưu trong tuyển tập thơ, truyện nội bộ của FPT.
Theo Đất Việt
Bình luận