• Zalo

Tiếp cận được 'vùng tối' của Mặt trăng, Trung Quốc khởi động cuộc chiến mới với Mỹ?

Thế giớiThứ Sáu, 04/01/2019 15:52:00 +07:00Google News

Chuyên gia nhận định, vụ hạ cánh lịch sử của tàu vũ trụ Trung Quốc lên vùng tối của Mặt trăng sẽ đánh dấu giai đoạn căng thẳng của cuộc đua không gian giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc thăm dò đánh dấu lần hạ cánh mềm đầu tiên trên thế giới ở vùng chưa được khám phá của Mặt trăng và gần như ngay lập tức truyền đi một hình ảnh cận cảnh vùng đất bí ẩn về Trái Đất.

Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) nói nhiệm vụ đã vén tấm màn bí ẩn khỏi vùng tối Mặt trăng, mở ra một chương mới trong cuộc thám hiểm Mặt trăng của con người.

tau-vu-tru-trung-quoc-1

Hình ảnh minh họa tàu vũ trung Trung Quốc hạ cánh trên Mặt trăng. (Ảnh: EPA-EFE) 

Nhưng kết quả này mới chỉ là khởi đầu. Giai đoạn tiếp theo của nhiệm vụ, theo CNSA, là Hằng Nga 4 sẽ bung ra một thiết bị do thám để khám phá khu vực, lập bản đồ cấu trúc bên trong Mặt trăng, phân tích các mẫu đất đá để tìm khoáng chất và hóa chất có tiềm năng kinh tế, kích hoạt một kính viễn vọng vô tuyến để tìm tín hiệu có thể xuất hiện từ các vũ trụ xa xôi.

Các tàu thăm dò cũng mang theo một hộp chứa đầy không khí, đất, nước, vi khuẩn, trứng tằm, hạt của một loài hoa nhỏ và khoai tây. Các nhà khoa học hy vọng rằng hệ sinh thái nhỏ này có thể sống được và tạo ra những bông hoa đầu tiên trên Mặt trăng trong khoảng 3 tháng.

Video: Hình ảnh vùng tối mặt trăng được gửi từ tàu vũ trụ Trung Quốc

Cuộc chiến mới giữa Mỹ - Trung?

Ông Chen Hongqiao, nhà nghiên cứu tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Quảng Đông, Trung Quốc cho rằng vụ hạ cánh lịch sử của tàu vũ trụ Trung Quốc lên vùng tối của Mặt trăng sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho giai đoạn căng thẳng hóa cuộc đua không gian giữa Mỹ và Trung Quốc. “Hôm nay cuộc chiến (giữa Mỹ và Trung Quốc) là về thương mại. Ngày mai có thể sẽ là trên Mặt trăng”.

Chính phủ Mỹ gần đây cũng công bố một kế hoạch đầy tham vọng muốn “chiếm đóng” Mặt trăng với một cơ sở cố định, theo SCMP. Giai đoạn đầu tiên của chương trình này sẽ bao gồm việc NASA xây dựng một trạm không gian, hay còn gọi là Lunar Orbital Platform, nằm trong quỹ đạo Mặt trăng, tạo tiền đề cho các dự án xây dựng cố định trong tương lai.

Trong khi đó, tiến sĩ Zhu Jin, giám đốc Đài thiên văn Bắc Kinh, cho biết cuộc đua mới giữa Mỹ và Trung Quốc trên đường đến Mặt trăng sẽ rất khác so với cuộc đua trước giữa Mỹ và Liên Xô trong chiến tranh lạnh.

“Cuộc đua trước đó phần lớn được thúc đẩy bởi chính trị” – ông Zhu nói. “Cuộc đua này sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi động cơ thực sự liên quan đến những lợi ích từ mặt trăng và các cơ hội kinh doanh tiềm năng.”

Theo SCMP, Liên Xô phóng vệ tinh Mặt trăng đầu tiên trên thế giới vào năm 1959, trong khi Mỹ đã đạt được thành tích 6 lần hạ cánh có người lái. Trong số 265 tàu vũ trụ được tất cả các quốc gia phóng lên không gian, chỉ từng có một tàu thăm dò của Mỹ đến được vùng tối Mặt trăng, nhưng tàu này đã bị hỏng.

SCMP dẫn nguồn tin nhà nghiên cứu cho biết Trung Quốc đã quyết định không phát trực tiếp sự kiện vì nhận thức rõ những rủi ro liên quan cũng như giảm áp lực cho các nhà khoa học và kỹ sư tham gia.

Ngày 18/12/2018, Tổng thống Trump đã ký vào một bản ghi nhớ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng Mỹ thành lập Bộ chỉ huy Không gian Mỹ. "Bộ Chỉ huy không gian sẽ phát triển học thuyết về không gian, chiến thuật, kỹ thuật và quy trình cho phép bảo vệ Mỹ trong kỷ nguyên mới", ông Pence nói trong bài phát biểu tại Trung tâm vũ trụ Kennedy ở Cape Canaveral, Florida.

Việc thành lập Bộ chỉ huy Không gian được coi là thay đổi cách tiếp cận với cuộc chiến trong không gian của Bộ Quốc phòng Mỹ bằng cách tập trung các hoạt động trong không gian của quân đội Mỹ vào một nơi để chống lại các mối đe dọa tới từ Trung Quốc và Nga.

Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 hạ cánh ở một trong những khu vực nguy hiểm nhất hệ mặt trời, theo CNSA. Cơ quan này cho biết không giống như khu vực bằng phẳng và mềm ở phía Mặt trăng đối mặt với trái đất, hơn 90% bề mặt ở “vùng tối” rất gồ ghề với những ngọn núi cao khoảng gấp đôi đỉnh Everest.

Liên lạc cũng là một thử thách. Sóng vô tuyến từ trái đất không thể chạm đến vùng tối Mặt trăng, nên Hằng Nga 4 đã phải dựa vào một vệ tinh để kết nối với trung tâm điều khiển ở Bắc Kinh và trong quá trình hạ cánh phải hướng ăng ten liên tục về vệ tinh để tránh mất kết nối.

Dù vậy, Trung Quốc không hoàn toàn tự thực hiện nhiệm vụ Hằng Nga 4. Các nhà khoa học đến từ Hà Lan cũng đóng góp vào quá trình xây dựng thiết bị dò tín hiệu tần số thấp, trong khi các chuyên gia Đức giúp xây dựng thiết bị đo phóng xạ trên bề mặt Mặt trăng. Thụy Điển cung cấp máy dò nguyên từ và Ả Rập Xê Út đóng góp một camera.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn