Trước đây, thị trường điện máy Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều thương hiệu đình đám như Pico, HC, Media Mart, Nguyễn Kim, Trần Anh,…. Nhưng hiện nay, có thương hiệu đã chết, có thương hiệu lay lắt sống, có thương hiệu bị thâu tóm. Lớn mạnh hơn cả chỉ còn Thế giới di động.
Thế nhưng, lớn mạnh nhất không có nghĩa không gặp nhiều sóng gió. Trong khi cổ đông tập trung vào nỗi lo mang tên Bách Hóa Xanh thì Thế giới di động bất ngờ công bố đóng tới 7 cửa hàng Thế giới di động trong năm nay.
Đóng 7 cửa hàng
Công ty cổ phần Thế giới Di Động vừa công bố báo cáo hoạt động 4 tháng đầu năm 2018. Doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng tốt không phải thông tin được nhà đầu tư quan tâm nhất. Điều khiến Thế giới di động xuất hiện trên khắp các mặt báo lại chính là việc công ty này đóng cửa hàng loạt cửa hàng.
Cụ thể, quy mô chuỗi đến cuối tháng 4 năm 2018 còn 1.065 cửa hàng, giảm 6 cửa hàng so với cuối tháng 1. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, Thế giới di động đã đóng cửa 7 cửa hàng. Đây là lần đầu tiên Thế giới di động “khai tử” nhiều cửa hàng trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán TP.HCM, tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Thế giới di động gần như là 0%. Trong khi đó, các cửa hàng của Thế giới di động đa phần đều có diện tích rộng và nằm trên mặt phố lớn. Vì vậy, chi phí mặt bằng là con số khổng lồ.
Thế giới di động không thống kê riêng chi phí thuê mặt bằng nhưng một vài số liệu cụ thể trong báo cáo tài chính đã phần nào nói lên mức độ tốn kém của thuê mặt bằng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2018, tại thời điểm cuối quý 1/2018, nhóm công ty hiện đang thuê văn phòng và các trung tâm phân phối theo hợp đồng thuê hoạt động. Vào ngày 31/3/2018, các khoản tiền thuê phải trả trong tương lai theo hợp đồng thuê lên tới 8.913 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 7.700 tỷ đồng hồi cuối năm 2017.
8.913 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng là chi phí khổng lồ, cao vượt trội so với nhiều chi phí quan trọng khác. Trong quý 1, Thế giới di động “chỉ” phải chi 2.309 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, 588 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp và 115 tỷ đồng cho chi phí tài chính.
Nỗi lo Bách Hóa Xanh
Cùng với những lo ngại về việc Thế giới di động đóng cửa 7 cửa hàng, cổ đông lại trở về với nỗi lo mang tên Bách Hóa Xanh, dù chuỗi cửa hàng này vẫn tiếp tục được mở rộng.
Khi Bách Hóa Xanh ra đời, Thế giới di động đặt kế hoạch sẽ phát triển thương hiệu này thành chuỗi hàng trăm, thậm chí 1.000 cửa hàng, “thống lĩnh” thị trường từ thành phố tới nông thôn. Nhưng tới giữa tháng 5/2018, Thế giới di động đã dội gáo nước lạnh vào nhà đầu tư khi công bố chuỗi Bách Hóa Xanh giảm 7 cửa hàng.
Đóng cửa 7 cửa hàng, nhưng Thế giới di động vẫn thấy… lạc quan với Bách Hoa Xanh. Công ty này khẳng định, sự thay đổi gần đây trong chiến lược lựa chọn địa điểm mở cửa hàng ở những trục đường dẫn thay vì len lỏi sâu vào khu dân cư bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Các cửa hàng Bách Hóa Xanh khai trương trong tháng 4/2018 ghi nhận doanh thu trung bình hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.
Dù Thế giới di động có lạc quan đến thế nào trong báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2018, thì trước đó nhà đầu tư đã có dự cảm không tốt cho chuỗi cửa hàng khổng lồ này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 3 năm nay, cổ đông đã bày tỏ lo ngại Bách Hóa Xanh sẽ không đạt được mục tiêu đã đề ra. CEO Trần Kinh Doanh thừa nhận Bách Hóa Xanh đang phải đối phó 2 khó khăn lớn. Đó là quản trị và doanh thu trung bình. Kết quả là công ty phải giảm mục tiêu mở 1.000 cửa hàng xuống chỉ còn 500 cửa hàng.
Nhà đầu tư cũng lo lắng về chuỗi Bách Hóa Xanh nên cổ phiếu MWG giảm mạnh suốt thời gian qua. Đóng cửa phiên giao dịch 21/5/2018, cổ phiếu MWG của Thế giới di động dừng ở mức 110.300 đồng/CP, giảm 19.850 đồng/CP, tương ứng 15,3% so với phiên đầu tiên của năm 2018.
Video: Giảm 20% gói cước nhà mạng từ 1/5
>>> Đọc thêm: Những chiếc điện thoại giá chục tỷ đồng trông như thế nào?
Bình luận