Dư luận quốc tế tiếp tục phản đối việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Theo Tiến sỹ Murray Hiebert, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một trong những chuyên gia hàng đầu của Mỹ về ASEAN, cộng đồng quốc tế cần có những biện pháp cứng rắn hơn nhằm ngăn chặn các hành vi của Trung Quốc, trong đó cần nêu đích danh các hành vi vi phạm luật pháp của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế. Tiến sỹ Murray Hiebert chia sẻ với PV về nội dung này.
- Thưa Tiến sỹ, việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cho thấy nước này không từ bỏ những tính toán trong vấn đề Biển Đông. Trước hết, ông bình luận như thế nào về những hành động của Trung Quốc?
Trung Quốc đã thực hiện các mục tiêu của họ khá rõ ràng trong vòng 10 năm gần đây, với cách lập luận rằng mọi thứ nằm trong đường 9 đoạn mà họ đưa ra yêu sách về chủ quyền ở Biển Đông đều thuộc về họ. Chúng ta đã thấy họ hành xử như mọi thứ đã thuộc về mình với việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá vào những thời điểm nhất định trong năm và ngăn cản các hoạt động của ngư dân. Và ngay trong lĩnh vực khai thác dầu khí, Trung Quốc đã yêu cầu Philippines không được khai thác, mà phải hợp tác với Trung Quốc.
Năm 2017, 2018, Trung Quốc cũng đã gây áp lực tương tự đối với Việt Nam, đòi Việt Nam phải ngừng hợp tác với các đối tác khác trong lĩnh vực dầu khí. Và bây giờ, hãy nhìn xem, Trung Quốc lại tiếp tục gây áp lực với Việt Nam yêu cầu Việt Nam dừng các dự án hợp tác khai thác dầu khí với tập đoàn Rosneft đang vận hành trong thềm lục địa của Việt Nam. Nhìn vào những gì đang diễn ra, tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang tính từng bước dần dần kiểm soát Biển Đông khi họ có thể.
- Năm 2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, áp dụng chiến lược “biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp”. Nay họ lại đưa nhóm tàu Hải Dương 8 xâm phạm trái phép vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo ông, động thái của Trung Quốc sẽ gây ra những nguy cơ nào đối với khu vực?
Rủi ro lớn nhất, tôi nghĩ là nguy cơ va chạm có thể xảy ra nếu các tình huống không được kiểm soát.
- Thưa Tiến sỹ, theo ông, các phản ứng quốc tế gần đây, đặc biệt là phản ứng của Mỹ và các nước tại hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52 tuần trước liệu có đủ để ngăn ngừa các hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông?
Các nướcc cần nêu lên những hành động của Trung Quốc trong các diễn đàn quốc tế, để Bắc Kinh ngừng lại các hành vi trái phép của họ
TS. Murray Hiebert
Tôi nghĩ rằng đây là những phản ứng cần thiết, đặc biệt là từ phía Mỹ. Phản ứng này đi xa hơn những phản ứng thường thấy trước đây mặc dù tôi nghĩ rằng chưa đủ. Theo tôi, Mỹ đang muốn tìm kiếm lập trường chung của Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Australia, các nước cùng quan điểm khác trong việc ngăn cản các hành động phi pháp của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế nên nêu những hành động của Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế như G7, G20 hay những diễn đàn lớn ở Liên Hợp Quốc.
Theo tôi, Mỹ cũng có thể áp đặt các lệnh trừng phạt những công ty có liên quan đến các hành động phi pháp của Trung Quốc, tương tự như trường hợp áp dụng các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp dụng đối với các trường hợp khác... Đây là một ý tưởng mà tôi nghĩ rằng Mỹ có thể làm nhiều hơn ngoài việc đưa ra các tuyên bố.
- Trước các động thái của Trung Quốc, Việt Nam nên làm gì để bảo vệ chủ quyền của mình?
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần có thêm sự ủng hộ quốc tế. Trung Quốc thường “không đếm xỉa” gì đến phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng như phản ứng của các quốc gia có liên quan. Các nước khác cần nêu lên những hành động của Trung Quốc trong các diễn đàn quốc tế, để Bắc Kinh ngừng lại các hành vi trái phép của họ.
- Xin cảm ơn Tiến sỹ!
Bình luận