Cụ sống biệt lập với mọi người, tự xây am sống đời tu hành, “khước từ” mọi tiện nghi mà thế giới hiện đại mang lại. Thậm chí, vì quá mải tu, nên vợ con cụ cũng đã sớm khăn gói ra đi.
15 năm tự chở gạch xây nhà
Người ta gọi cụ Vũ Thế Hinh là con người kì lạ, bởi quan niệm và triết lí sống của cụ rất khác người, chưa kể không gian cụ sống đầy huyền bí như một cái am, hoàn toàn do chính lão “dị nhân” này thiết kế. Tất nhiên điều mà bất cứ ai cũng phải trầm trồ khi gặp là cụ có một dung mạo khác người phàm, giống hệt một “Tiên ông” đạo mạo đang lạc chân giữa Sài Gòn hoa lệ. Câu chuyện của người viết với cụ ông cởi mở hơn khi cụ Hinh kể lại cuộc đời của mình như một cuốn phim quay chậm.
Quê gốc của cụ Hinh vốn ở Nam Định, năm 8 tuổi theo cha mẹ vào Sài Gòn định cư. Ngày đó, cả gia đình gần chục người phải sống khổ sở trong một căn phòng nhỏ tại quận 4. Dù gia cảnh khó khăn nhưng cha mẹ vẫn cố gắng lo cho cụ theo học lên đại học, chuyên ngành luật.
Tuy nhiên, do thời thế nhiều biến động, cộng thêm sự nông nổi của tuổi trẻ, cụ đã sớm bỏ học khi chưa kịp nhận tấm bằng tốt nghiệp. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, qua nhiều khó khăn, cụ xin vào làm việc tại Phòng Công nghiệp huyện Nhà Bè. Vài lần thuyên chuyển, cụ đứng chân trong vị trí Ủy viên Thường trực Liên hiệp xã Tiểu Thủ Công nghiệp TP.HCM.
Trong khi khí thế thực hiện cuộc thay đổi lớn cho đơn vị đang lên cao thì bỗng nhiên vị Chủ nhiệm Liên hiệp bất ngờ qua đời. Hoạt động của Liên hiệp trở nên èo uột, khó đứng vững. Bản thân cụ Hinh cũng cảm thấy chán nản vì không còn người đồng tâm huyết để vực đơn vị lại.
Cụ Hinh bên gốc bồ đề do mình trồng |
Để có tiền xây dựng “cõi riêng tu hành”, cụ cặm cụi làm việc và dành dụm từng đồng bạc lẻ. Có tiền cụ lại mua vật liệu về xây, xây hết tiền lại kiếm. Cứ thế, chẵn 15 năm cụ mới hoàn thành căn nhà. Cụ kể: “15 năm với bao đêm phải ngủ dưới cái lều rách. Mưa gió quần quật mà nhà vẫn chưa xong”.
Để bắt đầu đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà “độc nhất vô nhị” của mình, cụ đã bỏ hết số tiền trước nay tiết kiệm để mua sẵn các loại vật liệu, gạch, xi măng, cốt thép, máy khoan, máy cắt… Mỗi ngày 8 giờ đồng hồ, cụ tự trộn xi măng, bê tông rồi xây một mình. Cụ tự tay thiết kế một dàn ròng rọc chuyên chở nguyên vật liệu lên cao.
Người ta xây có đông người thì kẻ trên, người dưới tung hứng nhịp nhàng là xong mảng tường, nhưng vì chỉ có một mình nên lão cứ phải leo lên, trèo xuống mệt nghỉ mà vẫn chưa đưa lên hết số gạch đá cần thiết.
Khó khăn, vất vả là thế nhưng chưa khi nào cụ có suy nghĩ sẽ ngừng làm. Thậm chí, có những chỗ xây rồi nhưng không vừa ý, cụ lại hì hục phá đi làm lại. Khởi công từ năm 1996 nhưng mãi đến gần đây cụ mới hoàn thành những hạng mục cuối cùng.
Cụ cười sảng khoái rồi kể: “Có những chỗ xây mới vừa xong thì chỗ khác đã…xuống cấp cần sửa chữa. Bởi cụ không có nhiều tiền nên chỉ có một tầng trệt là tường gạch vững chắc, còn phía trên là tầng gác bằng gỗ và lớp mái tôn. Qua thời gian, chúng dần trở nên mục nát nên nhiều khi trời mưa, mái dột cả nước mưa vào trong nhà, mỗi cơn gió giật cả “dinh cơ” lại chao đảo như sắp bị cuốn theo cơn gió”.
Căn nhà “huyền bí” của cụ Hinh |
Hạng mục đầu tiên cụ xây dựng đó là ao cá tiên cảnh. Nơi mà mỗi khi vướng bận chuyện gì cụ sẽ ngồi tĩnh tâm, ngắm những chú cá bảy màu tung tăng bơi lội dưới gốc sen.
Cụ Hinh bảo: “Mấy con cá ở đây khôn lắm, chỉ cần tôi vỗ tay theo nhịp là nó xúm lại quanh đây, bơi thành vòng tròn vui mắt lắm”. Dường như, mỗi công trình được xây dựng ở đây đều có những ý nghĩa linh thiêng nhất định với gia chủ. Cụ xây nhiều bệ thờ cho các vị cao nhân, đức thánh khác nhau.
Từ Đức Quan âm Bồ Tát, ngọn Thất Sơn huyền thoại hay tượng voi 6 ngà tinh xảo, tất cả đều do một tay cụ lên ý tưởng và chế tác. Để học hỏi được cách làm, lão tìm đến các khu chùa đang xây dựng để tìm hiểu cách làm rồi về nhà nghiền ngẫm thực hiện.
Từng sống qua thời chiến, để tưởng nhớ những người đã hi sinh để đất nước hòa bình, cụ dựng lên biểu tượng Đài Liệt sĩ bên cạnh lá Quốc kì, để mỗi khi 27/7, cụ lại chuẩn bị nhang đèn, hoa quả để cung tiến những người xả thân vì nước vì dân.
Trước cửa nhà, cụ còn treo một cây thánh giá và một chiếc đồng hồ cổ vốn là biểu tượng của Sài Gòn – Chợ Lớn. Đặc biệt hơn, phía gian trong cụ còn sử dụng đến 4 chiếc đồng hồ xem giờ lớn nhỏ khác nhau.
Cụ giải thích: “Mỗi người có một cách sống và một cách sử dụng thời gian khác nhau. Mỗi giai đoạn cuộc đời lại có những dấu mốc thời gian đáng nhớ. Đối với tôi, giờ chỉ còn những khoảnh khắc tĩnh tâm”.
Cách bài trí của căn nhà đúng là chẳng giống ai, cũng chẳng theo trường phái nào. Cánh cửa sắt hai ngăn được cụ tự tay thiết kế bằng những thanh sắt khối vuông. Ngay bên trong là khoảng sân với đầy những cây cối, bệ thờ. Phía góc trái, cụ đặt một bộ bàn ghế đá dùng tiếp khách giữa không gian sân vườn. Bên trái cánh cổng là Đài Liệt sĩ và cột cờ có cắm Quốc kì đỏ thắm.
Chính giữa sân là bức tượng voi trắng 6 ngà đặt ngay sát ngọn tháp 9 tầng, phía bên trong để bức ảnh người cha quá cố. Trong góc sân là tượng đài Phật Quan Thế Âm đứng trên thân rồng, phía trước có biểu tượng hạt châu quẩn mây rất đẹp cũng do cụ tự tay thiết kế. Phía bên trong, cụ sử dụng đến 4 chiếc đồng hồ lớn nhỏ, hai cây đàn ghi ta và đàn Tỳ bà được treo trân trọng ngay gian trước.
Tượng voi trắng 6 ngà do cụ Hinh tự thiết kế |
Mất vợ vì sống quá lập dị!
Bản thân mang tính hướng tu từ nhỏ nên mãi cho đến khi 41 tuổi cụ Hinh mới buộc lòng phải cưới vợ để làm đẹp lòng cha mẹ. Vợ cụ rất trẻ, chênh lệch đến gần 20 tuổi. Người thiếu nữ mới ở độ ngoài 20, tốt nghiệp y dược, làm y tá (nay là điều dưỡng) tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Q.10).
Cụ Hinh bộc bạch: “Khi ấy, gái ngoài 20 mà chưa lập gia đình được xem như là “ế” cho nên chuyện hôn nhân cũng phần nhiều là do bên gia đình nhà gái lo toan, thu xếp. Phần tôi thấy cha mẹ cũng vui vẻ nên cũng chấp nhận hôn sự”.
Sống với nhau 17 năm, vợ chồng có được một người con trai khôi ngô. Suốt thời gian đó, không khí trong gia đình rất yên bình, không to tiếng, không cãi vã.
Chuyện cưới xin của cụ vốn đã chỉ là để đẹp lòng cha mẹ nên khó vững. Lễ cưới hỏi đã chớp nhoáng, qua loa một cách lạ thường thì ngày ly hôn cũng khiến nhiều người phải ngạc nhiên.
Trước bảo: “Có lẽ do tôi quá tu, không quan tâm đến vợ, con nên hạnh phúc tan vỡ. Chúng tôi chia tay gần như không có chuyện đôi co, tranh cãi. Người ta đã không muốn ở lại thì mình có muốn níu kéo thì cũng chẳng làm được gì”.
Kể về chuyện ly dị vợ, giọng cụ có phần trầm lại: “Ngày cô ấy đòi ly hôn, tôi cũng ngỡ ngàng lắm. Chúng tôi đưa nhau ra UBND phường. Phường hòa giải nhưng không thành, tôi không cam tâm vì lý do cô ấy đưa ra. Cô ấy bảo chẳng thể chúng sống đến “đầu bạc răng long” như lời đã hứa. Nhưng tính tôi nó thế, “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” mà, nên ngay từ khi cưới nhau tôi đã nói trước với cô ấy rồi. Tôi bảo sống với tôi chỉ có cơm, rau, dưa, cà…thôi, nhưng tôi đảm bảo không bao giờ để vợ con đói”, cụ Hinh ngậm ngùi kể lại.
Phường hòa giải không thành nên hai người đưa nhau ra tòa án. Khi ra tòa xử, biết vợ không thay đổi ý định, cụ quay sang hỏi nhỏ chủ tọa phiên tòa : “Liệu có ai nhiều tuổi như tôi mà còn bị vợ ly hôn không?”. Vì nể ông nhiều tuổi nên chủ tọa phiên tòa đáp: “Không nhiều, nhưng thi thoảng cũng có những cụ ông khoảng 80, 85 tuổi ạ”.
Nghe câu trả lời của chủ tọa phiên tòa, cụ quay sang hỏi vợ: “Ly hôn tôi, cô có hối hận không?”. Ông hỏi đủ ba lần và nhận đủ ba cái lắc đầu từ vợ lúc đó mới xin tòa xử giúp cho li hôn.
Đối với cụ, vợ dù đã chia tay nhưng vẫn luôn là những người bạn tốt. “Tôi chỉ buồn là ngay khi ly hôn, anh chàng người yêu trẻ, lại biết làm ăn của cô ấy cũng phũ phàng “nuốt” lời hứa sẽ làm đám cưới. Buồn vì bị tình nhân ruồng rẫy nên giờ cô ấy lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ như trên mây trên gió”, giọng cụ ông trầm ngâm.
Thương tình cụ khuyên cậu con trai thường xuyên tá túc bên bà chăm sóc, đỡ đần cho mẹ, còn cụ âm thầm sống một mình trong ngôi nhà từng có những kỉ niệm gắn bó. Cụ Hinh tiếp câu chuyện: “Cô ấy vốn sống tình cảm và hay suy nghĩ. Hồi em trai vợ tôi mất vì bệnh nặng, cô ấy thậm chí còn cứ giữ khư khư người em, không cho bất cứ ai lại gần. Chỉ khi tôi đến khuyên bảo, dùng hết lời nặng nhẹ thì cô ấy mới chịu buông để các bác sĩ làm việc”.
Sau khi li hôn, cụ không trách vợ nhưng cũng không trách mình. Cụ sống đời đạm bạc một mình trong ngôi nhà kỉ niệm. Người bạn duy nhất của cụ trong ngôi nhà gác gỗ là con chó vàng lai giống Phú Quốc rất hiểu chủ.
Cụ vui vẻ kể: “Người ta vẫn nói “ghét nhau như chó với mèo” ấy thế mà tôi lại giúp hai con vật này có thể “bắt tay nhau”. Con Ki nó thích chơi với con mèo lông nhạt, tôi bảo: “Ki, ru em mèo ngủ”, thế là nó đưa chân trước lên vỗ vỗ như thật, nghe chừng thân thiết lắm. Nhưng ngay khi con mèo lông đậm tiến đến là nó gầm gừ, ghét nhau ra mặt”.
Nghe câu chuyện “chẳng ra đầu chẳng ra đũa” tự dưng cụ kể chen vào giữa chuyện hôn nhân, cuộc đời, tôi cũng lờ mờ hiểu một điều gì đó mà con người sống gần cả thế kỷ này muốn ngụ ý.
TheoGĐ&XH
Bình luận