Thế hệ từ đầu 9x trở về trước hiện đang chứng kiến những bước chuyển mình của các cửa hàng tạp hóa trong thời đại công nghệ số với sản phẩm đa dạng, cửa hàng bài trí đẹp mắt, dịch vụ chuyên nghiệp và thanh toán tiện lợi.
Tiệm tạp hóa truyền thống – sự thân thuộc từ sâu trong tiềm thức
Hình ảnh tiệm tạp hóa “all-in-one” như thế này không còn xa lạ với người Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng đến góc phố nhỏ quen thuộc để vừa mua chai dầu ăn, túi bánh kẹo ăn vặt, bịch giấy ăn và cả thức ăn tươi sống như rau, củ, quả hay… cà pháo!
Sự hối hả của cơm – áo – gạo – tiền lúc 7 giờ sáng mỗi ngày cũng không làm chúng ta quên ghé vào tiệm tạp hóa ven đường để mua tờ báo “nóng hổi” mới xuất bản. Nhưng người mua nhớ phải chuẩn bị tiền lẻ bởi tiền trăm thì hơi… khó trả lại.
Khi thương mại điện tử “lên ngôi” cùng với sự hỗ trợ của thanh toán thẻ thì những hình ảnh của loại “hóa đơn viết tay” dày cộp này cũng dần ít đi. Trong góc phố, tiệm tạp hóa truyền thống với nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh quen thuộc được sắp xếp đơn giản – có phần lộn xộn trên kệ. Sau khi chọn đủ các đồ dùng sinh hoạt, bạn sẽ nghe thấy tiếng bấm lách cách của máy tính, cùng với đó là tiếng lẩm nhẩm của cô chủ tiệm: “Kẹo hai lăm nghìn, giấy mười hai nghìn…”.
Sự chuyển mình của tiệm tạp hóa Việt
Thế hệ Z có lẽ sẽ quen với các cửa hàng tiện lợi với đầy đủ các sản phẩm đến từ khắp thế giới. Các cửa hàng tạp hóa hiện đại được bày trí ngăn nắp hơn, sử dụng cửa kính để thu hút khách hàng bởi các sản phẩm đa dạng, ánh sáng hấp dẫn ở bên trong.
Sự hiện đại thu hút nhiều tập khách hàng hơn, không chỉ là các bác lớn tuổi trong khu hay các bà mẹ ra mua gói bim bim cho con sau bữa tối, mà các anh thanh niên cũng dễ dàng tìm thấy các món đồ hiện đại theo nhu cầu của mình như thuốc lá ngoại, kẹo cao su, dao cạo râu...
Cùng với đó cái tay quét mã vạch “thoăn thoát” của chị chủ cửa hàng, chỉ sau chưa đầy 1 phút đã dõng dạc nói: “Của em hết một trăm mười nghìn”.
Năm 2020 cũng chứng kiến sự “nổi dậy” của thanh toán qua mã QR. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh và ứng dụng thanh toán điện tử, khách hàng có thể dễ dàng trả tiền trực tuyến mà chẳng lo không mang đủ tiền hay cửa hàng thiếu tiền trả lại. Những tiện ích này đang ngày một thay đổi thói quen mua sắm của người Việt, thậm chí ngay cả bác hàng xóm đã về hưu cũng đã biết cách “Cháu ơi, cho bác quét!”.
Sự biến chuyển của thị trường theo xu hướng công nghệ là “miếng bánh lớn” cho các công ty khởi nghiệp và các tập đoàn lớn. Mới đây, một số nguồn tin cho biết VinShop - một ứng dụng công nghệ được cho là của Tập đoàn One Mount Group (Công ty con thuộc tập đoàn Vingroup) sắp ra mắt, lấn sân thằng vào thị trường bán buôn để “số hoá” các tiệm tạp hoá.
Theo đó, các chủ cửa hàng có thể đặt hàng với mức giá ưu đãi từ các thương hiệu và nhà cung cấp, tối ưu hiệu quả quản lý gian hàng và hỗ trợ thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử VinID Pay. Đây là tin vui cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam, hứa hẹn đem đến lợi ích cho nhà sản xuất và hàng triệu tiệm tạp hóa trên cả nước. Có lẽ những “tiệm tạp hoá số” giống như tại Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia sẽ sớm không còn xa lại tại Việt Nam.
Bình luận