Hôm 1/11, tiêm kích tàng hình thế hệ mới J-20 của Trung Quốc chính thức xuất đầu lộ diện tại Triển lãm hàng không Chu Hải. Mặc dù chỉ chao lượn chớp nhoáng trong 60 giây trên bầu trời, nhưng từng đó cũng đủ khiến J-20 phủ sóng trên hầu khắp các mặt báo trong và ngoài nước.
Có thể thấy, Trung Quốc đang kỳ vọng rất nhiều vào tiêm kích này và muốn nó có thể giúp thu hẹp đáng kể khoảng cách về công nghệ so với các chiến cơ của Mỹ như F-35 hay F-22.
Nhưng CNN cho rằng, nếu đánh giá tổng quan J-20 vẫn khó lòng có thể vượt qua được hai tiêm kích của Mỹ xét trên những tính năng quan trọng, đặc biệt là khả năng tàng hình.
Theo đó, thiết kế của phần cánh trước, động cơ và bộ phận cánh ổn định dưới thân máy bay đều làm giảm khả năng tàng hình của J-20.
Bên cạnh đó, hiệu quả của lớp phủ được dùng để hấp thụ sóng radar của tiêm kích này vẫn còn kém so với công nghệ của Mỹ, chuyên gia Justin Bronk thuộc Viện nghiên cứu liên quân hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.
Video: Hình ảnh chính thức đầu tiên về J-20
Quan trọng hơn cả, Bắc Kinh khó lòng có thể trang bị các bộ cảm biến và hệ thống mạng liên lạc cho chiến cơ của mình như F-22 và F-35 vốn được coi là yếu tố hết sức quan trọng giúp các tiêm kích của Mỹ có thể phân tích được các tình huống và cung cấp cho phi công các thông tin cần thiết.
Ông Bronk cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ phải mất 1 thập kỷ với cả 'núi tiền' và công sức để xây dựng lên chiếc tiêm kích hiệu quả như F-22, vì vậy ngay cả khi Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất tiêm kích nội địa, Bắc Kinh khó có thể thành công chỉ trong một sớm một chiều.
Thực tế, J-20 luôn bị gán mác là tiêm kích chắp vá của Trung Quốc khi thiết kế của nó trong giống như một bản lai ghép giữa F-22 của Mỹ và MiG 1.44 của Nga vốn không được sản xuất hàng loạt trong khi vật liệu công nghệ tàng hình được cho là có thể làm dựa trên khuôn mẫu của chiếc F-117 từng bị bắn rơi tại Kosovo năm 1999 hoặc của chiếc B-2 Spirit.
Mặc dù vậy, các chuyên gia Mỹ cho rằng, không thể phủ nhận J-20 vẫn có những lợi thế của riêng mình.
Với kích thước lớn, nó sẽ mang được lượng nhiên liệu đáng kể giúp cho tầm hoạt động xa hơn và ít phụ thuộc vào máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Khoang vũ khí bên trong của J-20 cũng lớn hơn so với F-22 và F-35, nhờ đó, nó có thể mang được nhiều vũ khí hơn so với các thiết kế của Mỹ.
Sự kết hợp của các yếu tố trên sẽ trở thành mối đe dọa thực sự với các lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương khi mà tầm xa mà J-20 đạt được có thể đặt ra một bài toán khó với hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không AWACS, theo ông Bronk.
Mặc dù không thể ẩn mình tốt như F-35 hay F-22, nó vẫn sẽ là một nhân tố khó lường nếu ẩn mình tham chiến cùng một phi đội máy bay thông thường trong bất cứ kịch bản nào.
Quan trọng hơn cả, J-20 gần như sẽ được sản xuất với số lượng lớn hơn nhiều so với F-22 và ngay cả F-35 nếu chi phí cho quốc phòng của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức khủng như hiện tại.
Nhưng đó vẫn là chuyện của tương lai vì hai chiếc J-20 chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong vỏn vẹn một phút mà không hề mở khoang vũ khí hay phô diễn các kỹ năng bay của một chiến cơ, vẫn còn quá sớm để khẳng định về sức mạnh thực sự của tiêm kích này, Greg Waldron, Tổng biên tập của FlightGlobal nhận định.
Bình luận