Mặc dù về bản chất, tiêm kích Mikoyan MiG-35 là đề án hiện đại hóa tiêm kích MiG-29, loại tiêm kích cất cánh lên bầu trời hơn 35 năm về trước, tiêm kích MiG-35 vẫn có những điểm khác biệt rất lớn so với MiG-29. Các chuyên gia quân sự nhận định rằng xét về khả năng, tiêm kích MiG-35 khác biệt hoàn toàn so với MiG-29.
Nhiệm vụ chính của tiêm kích hạng nhẹ là giành được ưu thế trên không ở khu vực nhỏ trên chiến trường. Nhiệm vụ không kích tầm xa và truy kích tự do sẽ được các tiêm kích hạng nặng như Su-27 hoặc Su-35 đảm nhiệm.
MiG-35 sẽ hoạt động với kết nối gần với mặt đất – tiêm kích này sẽ bảo vệ lực lượng bộ binh và tăng thiết giáp, bảo vệ các cơ sở hộ phương và đánh chặn máy bay trinh sát của đối phương. Các tiêm kích đảm nhận nhiệm vụ nói trên sẽ được bố trí gần như ngay sát chiến trường, nơi các sân bay có đường băng không tốt.
Tiêm kích MiG-35 lần đầu được giới thiệu ra trước công chúng trong triển lãm hàng không MAKS-2017, tiêm kích này thừa hưởng những đặc tính tốt từ MiG-29, đặc biệt là độ tin cậy và độ đơn giản. Điểm khác biệt lớn nhất giữa MiG-35 so với MiG-29 là hệ thống điện tử hoàn toàn mới được trang bị trên tiêm kích này.
MiG-35 được trang bị radar quét mảng pha chủ động Zhuk-A với khả năng theo dõi cùng lúc 30 mục tiêu trên không trong phạm vi 200 km cùng hệ thống điều khiển điện tử từ xa 3 kênh (tiêm kích MiG-29 đời đầu có hệ thống điều khiển cơ học.
Ngoài ra, MiG-35 được trang bị 2 hệ thống định vị quang học với chức năng dẫn đường cho vũ khí như radar nhưng không phát ra bức xạ điện tử và giúp MiG-35 khó bị phát hiện hơn. Các mục tiêu sẽ được hiển thị trên mũ bảo hiểm của phi công điều khiển. Tiêm kích MiG-35 có tuổi thọ động cơ cao hơn và chi phí cho mỗi giờ bay được giảm xuống 2,5 lần so với mẫu tiêm kích MiG cũ.
Xét về thông số lý thuyết, MiG-35 hoàn toàn vượt trội so với đối thủ cùng loại trên thế giới – tiêm kích F-16C Block 50/52 của Mỹ. Tiêm kích MiG-35 có tốc độ tối đa 2.560 km/h còn F-16 là 2.120 km/h, trần bay của MiG-35 là 17.500 m còn F-16 là 15.200 m, tải trọng cất cánh tối đa của MiG-35 là 29,7 tấn còn F-16 là 21,7 tấn.
Ưu thế vượt trội của MiG-35 so với F-16 trên chiến trường trong điều kiện không chiến ở khoảng cách gần chính là động cơ của MiG-35, các động tác bay cực khó như vòng lặp Nesterov, rắn hổ mang Pugachev… có thể được MiG-35 thực hiện dễ đàng, những động tác bay này hiện chỉ có tiêm kích hạng nặng Su-35 là có khả năng thực hiện hoàn hảo.
Động cơ RD-33MK được trang bị trên MiG-35 là yếu tố hiện đại nhất mà tiêm kích này sở hữu, loại động cơ lực đẩy vector này cho phép MiG-35 có thể thực hiện được những động tác siêu cơ động mà hiếm tiêm kích nào có thể thực hiện được – trong tác chiến, khi đang bị truy đuổi, MiG-35 có thể vòng ra sau chiến cơ của đối phương ngay lập tức và trở thành “kẻ săn mồi” để hạ gục chiến cơ đối phương trong vài giây.
Video: Tiêm kích Mikoyan MiG-35 trình diễn
Đội bay biểu diễn Strizhi của Nga hiện đang tham gia vào quá trình xây dựng chiến thuật của tiêm kích MiG-35, đây là đơn vị đầu tiên được sở hữu tiêm kích MiG-35, tiếp đến mới là các đơn vị không quân trực chiến và trinh sát của Nga. Theo một số đơn vị truyền thông của Nga, các đơn vị không quân tại vùng Matxcơva và Kursk sẽ là nơi nhận MiG-35 đầu tiên trong lực lượng Không quân Vũ trụ Nga.
Các tiêm kích MiG-35 được đưa vào biên chế trong các đơn vị này sẽ hỗ trợ hỏa lực cho các đơn vị mặt đất trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang tại khu vực biên giới phía tây nước Nga. Theo dự đoán, vào năm 2020, lực lượng Không quân Vũ trụ Nga sẽ nhận được khoảng 30 tiêm kích MiG-35.
Bên cạnh phiên bản cơ bản của MiG-35, 2 chiếc MiG-35D cũng đang được sản xuất và chúng sẽ trở thành máy bay huấn luyện chính dành cho công tác đào tạo phi công tiền tuyến.
“Các tiêm kích hạng nhẹ này rất kinh tế, chúng phù hợp cho việc đào tạo các học viên trong các khóa huấn luyện, đào tạo phi công trong các đơn vị chiến đấu với mọi loại thiết bị bay, mọi động tác cơ động và mọi loại vũ khí”, Tư lệnh Không quân Nga, Thượng tướng Viktor Bondarev giải thích.
Thêm vào đó, hiện tại có khả năng phiên bản tàu sân bay của MiG-35 sẽ được phát triển, tập đoàn KRET chuyên sản xuất các loại thiết bị điện tử quân sự của Nga hoàn tất việc chế tạo hệ thống định vị hạ cánh BINS-SP-2 cho tiêm kích MiG-35.
Hệ thống này sẽ tự động định vị và thông báo cho các lực lượng mặt đất về vị trí của MiG-35 trong trường hợp mất kết nối vệ tinh, đồng thời thông báo cho phi công về việc cần thực hiện các động tác cơ động nào ở thời điểm nào sao cho phù hợp.
MiG-35 không chỉ thu hút được sự quan tâm của quân đội Nga mà còn của nhiều nước trên thế giới – hiện có hơn một nửa trong số 56 quốc gia sở hữu tiêm kích MiG-29 bày tỏ sự quan tâm đến tiêm kích MiG-35, các quốc gia này đều có đủ cơ sở vật chất cần thiết để phục vụ cho MiG-35. Một trong những khách hàng tiềm năng nhất với MiG-35 là Ấn Độ, quốc gia được đánh giá là luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho tiêm kích tiền tuyến.
Bình luận