(VTC News) – Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, đề xuất tịch thu xe máy là một biện pháp mạnh, không tác động tới số đông nhưng lại mang tính răn đe rộng rãi.
Phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội xung quanh việc Ủy ban ATGT Quốc gia vừa đưa ra đề xuất tăng nặng mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy đi vào đường cao tốc, trong đó có việc xem xét phương án tịch thu xe máy, bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo.
- Theo bà, đề xuất tịch thu xe máy của Ủy ban ATGT Quốc gia có cần thiết phải triển khai hay không. Nếu được áp dụng, đề xuất này có ảnh hưởng gì tới xã hội?
Đây có lẽ là giải pháp cực chẳng đã. Tôi tin rằng không ai muốn thực hiện điều đó cả. Tuy nhiên, chúng ta đã thực hiện việc tuyên truyền giáo dục, xử phạt hành chính đối với người đi xe máy trên đường cao tốc từ lâu rồi. Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm.
Đã đến lúc chúng ta cần dùng những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Theo quan điểm của tôi, việc tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc là một đề xuất có thể mang lại hiệu quả.
TS Khuất Thu Hồng. Ảnh: Tiengchuong.vn |
Một khi được áp dụng, biện pháp này cũng không ảnh hưởng tới số đông nhưng lại mang tính răn đe cao. Bởi trên thực tế, số người người điều khiển xe máy cố tình đi vào đường cao tốc không phải là số đông người tham gia giao thông.
Chính vì vậy, chúng ta cũng cần phải sử dụng những biện pháp mạnh như thế này để răn đe những trường hợp có ý định vi phạm. Tôi cho rằng, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta có thể giảm bớt được vấn đề người dân đi xe máy vào đường cao tốc.
Hàng loạt xe máy ngang nhiên chạy ở đường cao tốc trên cao. |
Tôi nghĩ rằng không phải chúng ta không có đường dành cho người đi xe máy.Chẳng qua là một số người đi xe máy họ muốn đi vào đường cao tốc để cho tiện, cho nhanh hơn thôi. Tuy nhiên, họ không ý thức được rằng, hành vi này có thể dẫn đến rất nhiều mối nguy cho bản thân và xã hội. Điển hình nhất là nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn thương tâm, ảnh hưởng tới tài sản, sức khỏe, tính mạng của bản thân và những người khác.
Chúng ta cũng phải nghĩ tới những lợi ích chung của xã hội. Nếu chúng ta cứ điều khiển xe máy vào đường cao tốc, một số lượng lớn CSGT phải được huy động để ngăn chặn tình trạng này. Khi đó, Nhà nước cũng cần phải chi một số lượng tiền bạc rất lớn để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Mà tiền này cũng là tiền thuế do nhân dân đóng góp.
|
Tôi cho rằng, cơ quan đưa ra đề xuất này cũng đã có nghiên cứu rồi chứ không phải ngẫu nhiên, thích thì họ đưa ra đề xuất như vậy.
Như tôi đã nói, đây có lẽ là giải pháp cực chẳng đã, không ai muốn thực hiện điều đó cả. Nếu người điều khiển xe máy không đi vào đường cao tốc, không vi phạm pháp luật thì không ai xử phạt, không ai tịch thu phương tiện của họ cả.
- Nhưng đối với nhiều người, xe máy không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại thông thường mà đó còn là phương tiện mưu sinh của họ, thưa bà?
Tôi đồng ý là đối với nhiều người, xe máy là phương tiện mưu sinh. Nhưng chúng ta đi xe máy thì chúng ta phải nắm được luật pháp, nắm được quy định liên quan đến việc sử dụng nó. Phương tiện của chúng ta có thể gây tai nạn cho chính chúng ta hoặc cho người khác. Chúng ta phải có trách nhiệm với phương tiện của mình. Không thể nói đó là phương tiện mưu sinh mà chúng ta thích đi đâu thì đi được.
Video thu xe máy nếu đi vào đường cao tốc
- Bà nghĩ sao nếu thay vì tịch thu phương tiện, chúng ta sẽ tăng mức xử phạt hành chính lên rất cao đối với trường hợp xe máy đi vào đường cao tốc?
Việc tăng mức xử phạt hành chính thì lại có rất nhiều vấn đề không rõ ràng khác mà chúng ta băn khoăn từ trước tới nay, trong đó có việc hối lộ cho cảnh sát.
Tất nhiên, giả sử chúng ta thực hiện nghiêm việc thu giữ xe, câu chuyện tiêu cực kia có thể vẫn có (thay vì giữ xe thì nhận tiền) nhưng sẽ giảm đi. Nếu chúng ta có đủ hệ thống camera giám sát, nếu thấy vẫn có xe máy đi ở trên đường cao tốc thì lực lượng cảnh sát phải chịu trách nhiệm.
Tôi hy vọng rằng, cơ quan chức năng nên áp dụng nhiều giải pháp, một khi đưa ra một quy định gì thì nó được thực hiện một cách triệt để, hiệu quả trên thực tế.
- Xin cảm ơn bà!
Minh Quyết (thực hiện)
Bình luận