(VTC News) - Luật sư cho rằng, xe máy là tài sản lớn, khi vi phạm, người dân sẽ tìm đủ mọi cách 'đối phó' với lực lượng chức năng để không bị tịch thu nên cần xem xét kỹ để tránh nảy sinh tiêu cực.
Trước tình trạng xe máy đi vào các tuyến đường cao tốc gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng gợi ý có thể xem xét tịch thu phương tiện. Tuy nhiên, xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.
Xe máy đi vào đường cao tốc trên cao (Ảnh: Minh Chiến) |
Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đánh giá, việc đưa ra đề xuất táo bạo và thể hiện quyết tâm cao của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải là Bộ giao thông. Tuy nhiên hiệu quả, tính khả thi, tính thống nhất đặc biệt là trách nhiệm tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ được triển khai thực hiện trên thực tế như thế nào thì vấn đề này còn cần được nghiên cứu toàn diện, khách quan, thấu đáo trước khi chấp thuận và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trao đổi với PV VTC News, luật sư Thiệp cho rằng, đề xuất nói trên là chưa đúng luật. Muốn áp dụng quy định này cần phải điều chỉnh, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm giao thông.
"Tịch thu phương tiện là xâm hại đến quan hệ sở hữu, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì trường hợp bị tịch thu phương tiện, chưa muốn nói đó còn là sở hữu chung của vợ chồng, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân... Theo tôi, đối với nhiều người dân, chiếc xe máy là tài sản lớn nhất, quý nhất, là công cụ, phương tiện để mưu sinh, nên cần xem xét kỹ".
"Tịch thu phương tiện là xâm hại đến quan hệ sở hữu, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính thì trường hợp bị tịch thu phương tiện, chưa muốn nói đó còn là sở hữu chung của vợ chồng, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân... Theo tôi, đối với nhiều người dân, chiếc xe máy là tài sản lớn nhất, quý nhất, là công cụ, phương tiện để mưu sinh, nên cần xem xét kỹ".
Cũng theo luật sư Thiệp, nghị định xử phạt hiện hành chưa có điều khoản trên mà cơ quan có thẩm quyền muốn sửa đổi, bổ sung nghị định mới để quy định điều này thì phải tìm kiếm sự đồng thuận của dư luận và các nhà khoa học pháp lý có kinh nghiệm.
"Việc bổ sung quy định mới này cần phải bảo đảm tính thống nhất, ví dụ như: Nếu thực hiện quy định này thì phải sửa đổi hàng loạt các điều luật về thẩm quyền, trình tự thủ tục, vì xe máy trên thực tế có giá trị hàng chục đến hàng trăm triệu thì giá trị xe đã vượt quá thẩm quyền về xử phạt. Như vậy, cơ quan nào định giá phương tiện này...." - luật sư Thiệp đặt vấn đề.
Trước một số ý kiến cho rằng, khi mà giá trị tài sản (cụ thể là xe máy) rất lớn, người dân sẵn sàng tìm cách "đối phó" với lực lượng chức năng để không bị tịch thu phương tiện, luật sư Lê Văn Thiệp hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Luật sư Thiệp cho rằng, cần xem xét kỹ đề xuất này để tránh xảy ra tiêu cực khi thi hành.
Ông Thiệp nói: "Sẽ nảy sinh tiêu cực, ai giám sát, giám sát bằng cách nào, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát hành vi vi phạm cũng như thái độ của người xử lý vi phạm. Với những lỗi nhỏ, mức phạt thấp mà còn xảy ra tiêu cực một cách phổ biến, huống chi có xe máy trị giá đến hàng trăm triệu thì chắc chắn sẽ phát sinh tiêu cực vì kể cả nhờ vả, tác động của người có chức vụ quyền hạn để không bị tịch thu tài sản".
Trước đó, như VTC News đã đưa tin, hiện nay, tại các tuyến đường cao tốc được thiết kế và khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc đều cấm xe máy lưu hành. Tuy nhiên, tình trạng xe máy đi vào các tuyến đường cao tốc như: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, đại lộ Thăng Long, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường vành đai 3 Hà Nội đoạn đi trên cao vẫn thường xảy ra.
Tại các văn bản pháp quy hiện hành mức xử phạt hành vi đi xe máy, xe môtô vào đường cao tốc có mức phạt khá nhẹ, không đủ tính răn đe trong khi hành động này tiềm ẩn gây nguy cơ mất an toàn cho những phương tiện khác được phép lưu thông trên đường cao tốc. Cụ thể, tại điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt của hành vi này chỉ từ 200.000 đồng - 400.000 đồng.
Theo lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, những chiếc xe vi phạm sau khi bị tịch thu sẽ được bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo.
“Đây chỉ là một trong số rất nhiều những giải pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và kéo giảm tỉ lệ tai nạn giao thông. Nếu đề xuất này nhận được sự ủng hộ thì ủy ban sẽ trình Chính phủ, còn nếu không nhận được sự ủng hộ thì sẽ phải xem xét lại”, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay.
“Đây chỉ là một trong số rất nhiều những giải pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và kéo giảm tỉ lệ tai nạn giao thông. Nếu đề xuất này nhận được sự ủng hộ thì ủy ban sẽ trình Chính phủ, còn nếu không nhận được sự ủng hộ thì sẽ phải xem xét lại”, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay.
Minh Chiến
Bình luận