AP đưa tin, Khanh Huynh bắt đầu làm nghề đánh cá từ năm 12 tuổi. Trong 6 năm qua, anh sống trên một con thuyền ở Hawaii, chuyên bắt cá ngừ.
Khi tàu chìm ngoài khơi vùng biển Hawaii, Khanh Huynh cùng 2 người khác cứu được 7 người. Steve Dysart, một nhân viên giám sát liên bang – cũng ở trên tàu cho biết thuyền viên Việt Nam này điều hành con tàu từ lúc rời cảng đến khi chìm, trong khi thuyền trưởng không có động thái chỉ đạo nào.
Thực tế, Huynh không phải là thuyền trưởng. Anh làm việc từ 12-20 tiếng một ngày với thù lao chưa đến 10.000 USD/năm dù công việc của anh được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất.
Theo AP, Huynh không thể hợp pháp làm chủ tàu cá thương mại ở vùng biển liên bang vì anh không phải công dân Mỹ. Tuy nhiên thuyền trưởng người Mỹ chưa từng vận hành một tàu cá dây dài trên Thái Bình Dương.
Thuyền trưởng Mỹ Robert Nicholson từ chối bình luận, trong khi đó lực lượng tuần duyên Mỹ đang điều tra vụ việc.
Theo AP, vụ chìm tàu Princess Hawaii nơi Huynh làm việc là vụ mới nhất trong chuỗi vụ việc làm dấy lên lo ngại về hoạt động khai thác nguy hiểm, đôi khi lạm dụng người lao động. Luật lao động tiểu bang và liên bang Mỹ không áp dụng cho Huynh và gần 700 lao động nước ngoài khác ở Hawaii.
Vì không có thị thực lao động, những công nhân này bị từ chối nhập cảnh Mỹ và phải sống trên thuyền nhiều năm liền, dù có bến tàu ở Honolulu. Một điều tra của AP năm 2016 tìm thấy những người đàn ông sống nhếch nhác trên những con tàu, bị rệp cắn và thiếu thực phẩm.
Video: Trục vớt 3 tàu cá bị chìm sau bão số 2
Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng buổi trưa, khi con tàu dài 19 m bắt đầu rung lắc và ngấm nước. Huynh cố gắng nắm bánh lái điều khiển tàu nhưng không được, cuối cùng anh phá cửa sổ và thoát ra ngoài.
Lúc này 5 người đàn ông đã ở dưới nước còn bên trong có 2 người Mỹ - gồm giám sát viên Dysart và thuyền trưởng. Huynh đưa tay kéo Dysart ra. Để thoát khỏi tàu chìm, hai người Mỹ phải bơi dưới nước rồi tìm đường trồi lên mặt biển.
Sau đó, Huynh kéo hai người Mỹ lên phao cứu hộ - 3 người cùng đi giải cứu 5 thành viên khác, gồm các ngư dân Việt Nam và Kiribati.
Theo AP, con tàu ban đầu tên là Lihau, sau đó đã được đại tu. Dysart cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến tàu không ổn định, dù vậy chủ tàu Nguyen Loc cho rằng tàu đắm do sóng lớn.
Lực lượng tuần duyên kiểm tra tàu vào tháng 2 không phát hiện sai phạm nào, dù vậy xác nhận điều kiện sóng biển khi con tàu gặp nạn không đến nỗi tệ - theo nhận định của Dysart.
Bình luận