Một đêm 60 năm về trước ở một vùng quê nghèo Bến Tre có chiếc thuyền đánh cá lặng lẽ ra khơi. Không điện đài, không thiết bị định vị, bất chấp sự hiểm nguy của sóng gió, bão bùng, sự tuần tra gắt gao của địch, chiếc thuyền ấy cùng 6 chiến sĩ kiên trung đã vượt biển từ Nam ra Bắc thành công. Đây là dấu mốc quan trọng cho việc mở Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển về sau.
Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng ký ức về những tháng ngày lênh đênh trên Tàu không số vẫn vẹn nguyên trong kí ức của ông Nguyễn Văn Đức (tức Sáu Đức, sinh năm 1941, quê Bến Tre).
Là 1 trong 6 thành viên trên chiếc thuyền đánh cá lịch sử năm nào vượt biển từ Nam ra Bắc, ông Đức nhớ lại, sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, chiến trường miền Nam bước vào cuộc chiến chống Mỹ cam go. "Khi đó chiến sĩ ta ở miền Nam rất thiếu thốn súng đạn. Để giữ vững vùng và mở rộng vùng giải phóng thì phải có vũ khí cung cấp cho các trận đánh lớn nhằm tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam. Mà để thực hiện điều đó thì không có con đường nào khác ngoài sự chi viện từ Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa", ông Đức mở đầu câu chuyện.
Theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, 4 chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ nhỏ bé cùng hàng chục chiến sĩ có kinh nghiệm đi biển, thông thạo địa hình sông rạch miền Nam từ các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa đã lên đường ra Bắc. Chuyến đi để báo cáo tình hình chiến trường miền Nam, khảo sát luồng lạch trên biển và xin viện trợ vũ khí trang bị cho các chiến sĩ giải phóng trong Nam.
"1/6/1961, chuyến đầu tiên xuất phát từ Bến Tre. Trên chiếc thuyền nhỏ có tôi và 5 anh em. Tất cả chưa đi biển xa như thế bao giờ, chưa biết đến miền Bắc ra sao, không la bàn, không thiết bị định vị, đối mặt nguy cơ sóng gió. Điều quan trọng nữa là không biết hoạt động của hải quân địch như thế nào. Trên thuyền lúc đó chỉ có thức ăn, nước uống và dầu mỡ cho thuyền chạy, mà thức ăn thì chỉ để được 2 đến 3 ngày còn sau bị hư hết", ông Đức kể.
Khi chiếc thuyền vừa ra khơi thì gặp ngay một trận mưa dông, sóng dữ dằn ập vu hồi vào chiếc thuyền nhỏ bé. 6 người thì hết 3 người say sóng, lương thực, thực phẩm, quần áo của các chiến sĩ đều ướt hết.
Rồi thách thức đầu cũng qua, hành trình lại tiếp tục. "Ban ngày thì mình đi ra xa bờ nhìn sao Bắc Đẩu mà đi, tháng 6 nên trời trong xanh. Ban đêm thì đi gần bờ và chỉ dựa vào dãy núi Trường Sơn mờ mờ để định vị", ông Đức nói.
Ông Đức kể tiếp, khi thuyền ra tới vĩ tuyến 17 thì gặp tàu tuần tiễu của địch nhưng do thuyền giả dạng đi đánh cá nên địch cũng không chú ý tới.
Chạy đến chiều hôm sau thì thuyền tới huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. "Anh em trên thuyền ước đoán đây chắc chắn là miền Bắc rồi nên neo vào. Đến sáng thì dân báo đồn công an địa phương. Sau đó tất cả bị bắt nhốt vì bị nghi là biệt kích của địch vì ai cũng nói giọng miền Nam", ông Đức cười.
Xong 3 ngày bắt nhốt, Công an tỉnh Hà Tĩnh xuống gặp các chiến sĩ, báo ra Ủy ban Thống nhất Trung ương. Sau đó thì những người can trường trên thuyền được Bộ Tổng tham mưu vào đón và đưa ra Hà Nội.
Lần lượt các thuyền đi cùng đợt sau đó cũng ra tới miền Bắc. Đặc biệt, có thuyền xuất phát từ Bà Rịa, trên đường đi thì bị địch phát hiện, tra xét nhưng các chiến sĩ kiên quyết không khai nên địch buộc phải thả. Họ lại tiếp tục hành trình.
"Do thuyền nhỏ quá, chỉ là thuyền câu mực nên khi hết lương thực, nhiên liệu thì thả trôi và có thuyền trôi qua tận đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Còn thuyền ở Trà Vinh đi không có động cơ chỉ có buồm để gió đẩy đi. Đi giữa đường vào tháng 8/1961 thì gặp bão gãy hết cột buồm. Khi mọi người nhắm mắt thả trôi thì may mắn trôi qua Ma Cao khi đó là thuộc địa Bồ Đào Nha, được phía Trung Quốc nhận trao trả lại về cho mình", ông Đức nhắc về hành trình vượt biển của nhóm thuyền đầu tiên.
Tại Hà Nội, các chiến sĩ đã báo cáo tình hình Đồng Khởi ở Bến Tre, tình hình thiếu thốn vũ khí ở miền Nam cho Trung ương, từ đó Trung ương có cơ sở để quyết tâm thành lập đoàn 759, sau này gọi là Đoàn tàu không số.
Sau hành trình khảo sát từ Nam ra Bắc của các thuyền đánh cá, ngày 23/10/1961, Bộ đội Hải quân Việt Nam quyết định thành lập Đoàn 759 để vận chuyển hàng hóa, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam với mật hiệu Đoàn tàu không số. Đầu tiên, Bộ Tổng tham mưu cho đóng 4 tàu gỗ ở Hải Phòng, mỗi tàu có sức chở 30 tấn.
Tháng 10/1962, 4 tàu lần đầu chở vũ khí xuất phát từ Hải Phòng đi vào miền Nam. Chuyến tàu đầu tiên thành công ngoài mong đợi, tất cả đều đến nơi an toàn. Gần 120 tấn vũ khí, đạn dược được trang bị cho quân giải phóng.
"Đây là cột mốc cực kỳ quan trọng mở đầu cho quyết tâm mở con đường Hồ Chí Minh trên biển chứ nếu đi bằng đường Trường Sơn thì vũ khí không xuống được đến Đồng bằng sông Cửu Long. Cho nên chỉ trong thời gian ngắn mà gần 120 tấn vũ khí vào tận nơi cuối cùng của Tổ quốc là cực kỳ vô giá, nhờ đó mới giữ vững được vùng giải phóng", ông Đức nói.
Kể về những khó khăn trong quá trình đi trên tàu không số, ông Đức cho biết, thời tiết trên biển rất khắc nghiệt, các chiến sĩ phải khỏe mạnh, chịu được sóng cấp 7 trở lại thì mới an toàn và làm được việc trên tàu.
Thực phẩm thì chỉ dùng ướp muối ăn dần. "Chỉ có gà là còn sống được 4,5 ngày rồi cũng bị chết do sóng gió, rau củ cũng thối hết. Nhưng có điều lý thú là khi ban đêm tàu chạy thì cá chuồn bay lên tàu, nhờ đó anh em có thêm thực phẩm chống chọi cho những ngày đi biển", ông Đức chia sẻ.
Tiếp tục sau đó, Bộ tổng tham mưu cho đóng thêm một loạt tàu sắt chở được 50-100 tấn hàng. Đầu năm 1963 những chiếc tàu này vận chuyển vũ khí vào Nam. "Không có ngày đêm nào mà trên biển Đông không có Tàu không số hết, có đêm như ở Cà Mau một lúc đón 2, 3 tàu. Cho nên mở được con đường này hết sức quan trọng. Con đường vận chuyển trên biển đầy nguy hiểm mà rất đỗi vinh quang này có một không hai, từ trước nay chưa bao giờ có", ông Đức tự hào.
Từ năm 1963-1965, Đội tàu không số vượt biển khơi chuyên chở vào chiến trường miền Nam hàng nghìn tấn vũ khí, thuốc men, hàng hóa mà không gặp trở ngại gì, bởi khi đó địch chưa hề tưởng tượng có tuyến đường thần kỳ này.
Tuy nhiên, đến 16/2/1965, xảy ra sự việc một Tàu không số bị phát hiện đang dỡ hàng quân nhu, đạn dược hỗ trợ Quân Giải phóng tại vịnh Vũng Rô (Phú Yên). Bừng tỉnh, địch tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên không, dưới biển cả ngày đêm buộc ta phải tạm dừng vận chuyển vũ khí bằng tàu không số.
"Phải 2 năm vắng bóng Tàu không số trên biển Đông do địch kiểm soát gắt gao. Hạm đội 7 của Mỹ, máy bay trinh sát, vệ tinh do thám... được địch sử dụng cho nên mình không thể tiếp tục được. Nhưng kết quả trước đó cũng chở được cả trăm ngàn tấn vũ khí, thuốc men, cán bộ chỉ huy tăng cường cho quân giải phóng", ông Đức nhớ lại.
Đến sau Tổng tấn công Mậu Thân 1968, tình hình trong miền Nam hết sức cam go. Đạn dược, thuốc men thiếu thốn nghiêm trọng, cán bộ chiến sĩ của ta hy sinh rất nhiều. Trung ương quyết tâm bằng mọi cách đưa được vũ khí vào miền Nam.
Sau khi bàn bạc, th1ng nhất, 4 tàu được cử đi nối lại hành trình huyền thoại. Nhiệm vụ của mỗi tàu là cập vào 4 địa phương khác nhau gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Cà Mau, làm sao 4 tàu cập bờ cùng một lúc để khi chỗ này bị phát hiện thì chỗ kia đột nhập đưa hàng lên.
Nhưng rồi trước sự tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt của địch, không chiếc tàu nào lọt qua. 3 chiếc bị đánh chìm, trong đó 1 chiếc cuối cùng phải cho nổ tung và 18 chiến sĩ trên tàu hy sinh còn một chiếc thì phải quay về do bị địch theo dõi.
"Còn một tàu vào Nha Trang đi 22 người thì còn 6 người sống sót vào được bờ. Con tàu đi vào Quảng Ngãi có tôi trên đó cũng bị địch phát hiện từ xa, khi ngang tới đảo Lý Sơn thì địch nổ súng. Chúng tôi vừa chiến đấu vừa rút chạy vào bờ vì không còn con đường nào khi trùng điệp kẻ thù bao vây.
Lúc đó vào ban đêm nhưng máy bay C47 của địch thả pháo sáng trưng như sân bóng vậy. Trên thì máy bay trực thăng, dưới thì xuồng cao tốc dày đặc. Trên tàu có 18 người và anh em đã bố trí 3 tấn bộc phá TNT từ mũi tàu đến buồng lái để khi vào bước đường cùng thì ấn nút cho nổ tung. Thà hi sinh chứ không để bị địch bắt giữ, thu vũ khí!", ông Đức bồi hồi nhớ lại thời khắc sinh tử.
Người chiến sĩ quả cảm cho biết, rất may khi tàu của ông rút chạy vào bờ thì không có đạn lớn rót trúng mà chỉ các đạn nhỏ bắn phá, lỗ thủng chi chít trên khắp thân tàu. Khi tới sát bờ, thuyền trưởng ra lệnh cho anh em rút hết và bấm nút hẹn giờ khoảng 15 phút cho tàu nổ tung.
"Nhưng mà trong quá trình chiến đấu cũng có 3 đồng chí trên tàu hy sinh và 12 đồng chí bị thương, tôi cũng bị thương ở chân", ông Đức xúc động.
Sau đó, 4h sáng, anh em chiến sĩ trên tàu được dân địa phương dẫn đi gặp du kích và ẩn nấp trong hầm bí mật. 5h sáng thì xe tăng địch kéo tới truy tìm.
"Nhiều người bị thương nên nằm tại hầm 5-6 ngày để yên ắng, ổn định. Tiếp đấy, chúng tôi băng qua quốc lộ 1, lên núi gặp bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở bệnh xá huyện Đức Phổ, ở lại đó 35 ngày. Ngày nào cũng hàng chục lượt trực thăng bay qua bay lại", ông Đức kể.
Trong chuyến đi vận chuyển vũ khí vào Quảng Ngãi năm 1968, có niềm đau thương mà ông Nguyễn Văn Đức luôn canh cánh, trăn trở. Đó là sự hy sinh của chiến sĩ Vũ Xuân Ruệ quê ở Tiền Hải, Thái Bình. Chiến sĩ Ruệ mới cưới vợ được 3 ngày đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí trên tàu không số.
Ông Đức kể, sau khi bị phát hiện và truy kích gần đảo Lý Sơn, anh Ruệ khi đó cầm lái tàu đã bị trúng đạn ngay từ loạt súng đầu tiên của địch. "Đồng chí ấy còn rất trẻ, chỉ ngoài 20 tuổi, mới cưới vợ được ít hôm. Khi bị trúng đạn tôi đã đến đỡ trên tay, đồng chí ấy chỉ kịp nhắn nhủ đồng đội ở lại chiến đấu thắng lợi... Tôi thương đồng chí lắm. Đồng chí mất trên biển cũng không còn xác nữa", ông Đức rưng rưng nhớ lại.
Cũng theo ông Đức, ngoài chiến sĩ Ruệ, sự ra đi của 2 đồng đội khác, một hi sinh trên ụ pháo của tàu, một hy sinh khi lội vào gần bờ thì trúng đạn cũng khiến ông tới giờ không thôi thương nhớ.
Suốt 3 năm liền (1965-1968), không một con tàu nào của ta vận chuyển vũ khí, thuốc men lọt vào được miền Nam. Lúc này quân ta trên chiến trường miền Nam lâm vào cảnh khó khăn. Tình thế ấy buộc Trung ương Đảng phải chỉ huy một chuyến tàu chi viện vũ khí cho miền Nam bằng mọi giá.
Tới năm 1969, khi Bác Hồ qua đời, để thực hiện di nguyện Nam-Bắc một nhà của Người, anh em đã hạ quyết tâm dù có hy sinh cũng phải đưa bằng được vũ khí vào Nam bằng đường biển bất kể tình hình lúc đó vô cùng khó khăn.
Ông Đức khi đó được điều làm thuyền phó tàu 154 nhận nhiệm vụ lên đường. "Chuyến đi đó đặc biệt nhất vì trước khi đi mọi người không tin tưởng sẽ thành công, thậm chí làm lễ truy điệu cho anh em trước khi lên đường. Các đồng chí ở Bộ quốc phòng xuống tàu cùng làm liên hoan để từ biệt và 18h chiều thì tàu xuất phát", ông Đức nhớ lại.
Con tàu của ông Đức từ Hải Phòng rẽ sóng ra khơi, vượt qua một chằng đường dài từ Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia rồi mới ngoặt về Hòn Khoai ngoài Côn Đảo để từ đó mới tiến về mũi Cà Mau.
Bình thường, mỗi hải trình của Tàu không số chỉ kéo dài 5, 6 ngày, nhưng lần này, để tránh địch nên tàu phải đi vòng mất hơn 10 ngày. Chuyến đó chở được 70 tấn vũ khí vào Nam.
"Thành công của chuyến đi này là điều nằm ngoài sức tưởng tượng, được coi là kỳ tích của kỳ tích. Ngay Tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn còn bất ngờ, gọi điện liên tục để xác tín. Sau chuyến đi đó thành công, toàn bộ người trên tàu được khen thưởng huân chương chiến công từ hạng Ba đến hạng Nhất”, ông Đức nhớ lại.
Theo ông Đức, nhờ số vũ khí đó mà quân giải phóng địa bàn Tây Nam bộ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm tiền đề để giải phóng miền Nam sau này.
Bình luận