Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến đêm 11, rạng ngày 12/10, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung đã khiến 30 người chết và mất tích. Trong đó có 17 người chết, gồm Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Huế 3, Quảng Nam 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đăk Lăk 1, Lâm Đồng 1.
Hiện vẫn còn 13 người mất tích, trong đó Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Huế 1, Đà Nẵng 4, Gia Lai 1, 1 người ở Quảng Trị đã tìm thấy thi thể.
Ghi nhận của PV VTC News, đêm 11, rạng sáng 12/10, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định tiếp tục có mưa lớn, hàng loạt thủy điện xả tràn khiến hàng nghìn người dân vẫn đang phải oằn mình chống lũ.
Tại Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên diện rộng. Mưa lớn khiến mực nước tại các hồ chứa và thủy điện lên rất cao và nhận lệnh xả lũ để bảo đảm an toàn đập. Điều này khiến mực nước sông Hương và sông Bồ lên nhanh vượt mức báo động III và dự báo tiếp tục lên trong đêm 11/10 đến sáng 12/10.
Do ảnh hưởng của triều cường bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10,0km tập trung ở các đoạn qua xã Vinh Hải nay xã Giang Hải với dài 3,5 km; qua xã Phú Thuận hơn 2,5 km; qua xã Phú Diên dài hơn 2,0km; qua xã Phú hải dài khoảng 1,5km, qua xã Hải Dương khoảng 1,0km.
Đoạn bờ sông Hương qua xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở với chiều dài khoảng 100m. Tuyến đê Nho Lâm-Nghĩa Lộ đoạn qua xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) bị sạt lở mái nhiều vị trí với chiều dài khoảng 300m. Một số công trình thủy lợi ở 2 huyện nam Đông và A Lưới bị hư hỏng, kênh mương bị bồi lấp.
Nước lũ lên nhanh, hàng nghìn nhà cửa bị ngập sâu, các lực lượng chức năng phải huy động xe bọc thép để cứu hộ cứu nạn và cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân.
Tại Đà Nẵng, theo số liệu cập nhật, có 9/11 xã của huyện Hòa Vang bị ngập sâu, có nơi nước ngập hơn 1,5m, nhấn chìm nhiều nhà cửa, hoa màu.
Chính quyền Đà Nẵng phải di dời 752 hộ/2.558 người tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến và quận Cẩm Lệ đến nơi an toàn.
Ngoài 4 người mất tích, bão lũ cũng làm 4 tàu cá, 1 ca nô du ịch bị chìm. Đặc biệt, tàu Đông Bắc 22 có trọng tải 22.000 tấn thuộc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Đông Bắc (Quảng Ninh), do ông Nguyễn Minh Tùng làm thuyền trưởng cũng 15 thuyền viên chở 21.200 tấn than cám, hơn 101 khối dầu D.O và 1.343 lít dầu nhờn với 15 thuyền viên bị mắc cạn ở vùng biển Đà Nẵng.
Do ảnh hưởng mưa bão số 6, trong ngày 11/10, lực lượng chức năng chưa thể tiếp cận để hỗ trợ tàu và thuyền viên.
Cũng do mưa lớn cùng các nhà máy thủy điện xả lũ, nhiều địa phương tại Quảng Nam bị ngập sâu. Trong đó, các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Hội An là những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 6 khiến nhiều nơi ở huyện miền núi Nam Trà My sạt lở nặng, hàng nghìn khối đất đá tràn xuống khiến giao thông bị chia cắt. Nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 1A qua địa bàn Quảng Nam cũng bị ngập nước, giao thông khó khăn.
Còn tại Quảng Ngãi, bão số 6 kèm gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 khiến hàng loạt cây xanh ở Lý Sơn gãy đổ, toàn huyện đảo này mất điện và 4 người dân bị thương.
Mưa lũ làm cho 8 người dân trong tỉnh bị thương, một ngôi nhà bị sập, 71 nhà bị tốc mái, hư hỏng… Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, nước lũ chia cắt nên chính quyền địa phương cử lực lượng canh gác, không cho người và phương tiện qua lại.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trên Biển Đông đã xuất hiện một áp thấp nhiệt đới, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 770km, sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đến 13h ngày 12/10, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km, sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6 nên từ nay đến ngày 13/10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung tiếp tục xảy ra đợt mưa rất to với tổng lượng mưa tại các Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khoảng 300-500mm, có nơi hơn 500mm; Đà Nẵng khoảng 150-250mm, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 100-200mm.
Bình luận